Chuối hột có tên khoa học là Musa brachycarpa Back., họ Chuối (Musaceae). Dân gian thường gọi là chuối chát, thường dùng quả xanh, gọt bớt lớp vỏ ngoài, sau đó bào thành lát để dùng trong các món cuốn chung với các loại rau sống, khế, hoặc trộn gỏi, bóp thấu, chấm mắm nêm hoặc mắm tôm. Ngoài các thành phần chất dinh dưỡng tốt như đường, sinh tố, chất xơ, trong chuối hột xanh còn có chứa hàm lượng chất tanin cao vì vậy chuối xanh chát nhiều hơn ngọt. Tanin trong chuối xanh có tác dụng làm săn se niêm mạc nên tránh được tiêu chảy khi ăn chung với những món ăn có nhiều rau sống, lạnh bụng.
Theo y học cổ truyền, chuối hột có tác dụng giải độc, lương huyết, dân gian hay dùng để chữa đau lưng nhức mỏi, sạn thận, sạn bàng quang, dùng 30-50g quả chuối chát thái mỏng sao vàng hạ thổ rồi lường 4 chén nước sắc còn 1 chén uống mỗi ngày, hoặc hãm nước sôi uống như trà mỗi ngày, thời gian khoảng 1 tháng có kết quả.
Nhiều tài liệu ghi chép dân gian dùng tất cả các bộ phận của chuối hột để làm thuốc.
1. Hạt chuối hột (chỉ lấy ở quả chuối chín)
- Chữa sạn thận, chọn chuối thật chín, lấy hạt phơi khô, tán nhỏ nấu lấy nước uống. Cho 7 thìa nhỏ (thìa cà phê) bột hạt chuối vào 2 lít nước đun nhỏ lửa, khi còn 2/3 nước là được. Uống hằng ngày như uống nước trà liền trong 2-3 tháng, cho kết quả khá tốt.
- Giảm đau, tiêu sưng, chữa đau lưng, chân tay nhức mỏi, thấp khớp, 200g giã nát ngâm với rượu 40 độ (1.000ml) trong 10 ngày để càng lâu càng tốt, thỉnh thoảng lắc đều. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 15ml vào trước bữa ăn hay trước khi đi ngủ, có thể thêm đường cho dễ uống.
- Chữa hắc lào, lấy quả xanh còn ở trên cây, cắt đôi, hứng lấy nhựa, bôi hàng ngày vào chỗ hắc lào. Quả chuối hột còn non, thái mỏng, trộn với rau sống ăn với sứa, với gỏi cá giảm độ tanh và đề phòng tiêu chảy.
3. Vỏ quả chuối hột
- Chữa kiết lỵ, lấy 20g vỏ quả chuối hột, 20g vỏ quả lựu, 10g búp ổi, phơi khô, thái nhỏ, sắc lấy nước uống.
- Chữa đau bụng kinh, lấy 40g vỏ quả chuối hột, phơi khô, sao hơi vàng, tán bột. Quế chi 4g, cam thảo 2g, tán bột. Trộn đều luyện với mật ong thành viên 5g, uống 1 viên 3 lần trong ngày với nước ấm.
4. Củ chuối hột
- Chữa cảm nắng, sốt cao, lấy củ chuối hột rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước uống có thể chữa được cảm nắng, sốt cao, mê sảng.
- Chữa kiết lỵ ra máu, dùng củ chuối hột kết hợp với củ sả, mỗi thứ 4g, thái nhỏ, sao vàng, sắc với 200ml nước còn 50ml, uống cả một lần trong ngày.
5. Lá chuối hột
- Dùng để gói bánh ít các loại giúp cho mùi bánh thơm và không độc so với các loại lá chuối khác.
- Chữa băng huyết, nôn ra máu, lấy 10g lá chuối và 20g tinh tre, phơi khô đem đốt tồn tính tán nhỏ, hãm nước sôi uống ngày 1 lần.
6. Hoa chuối hột
- Chữa sản phụ thiếu sữa, hoa chuối hột thái nhỏ, luộc hoặc làm gỏi ăn để tăng tiết sữa ở sản phụ mới sinh con.
- Chữa táo bón, hoa chuối luộc hoặc trộn gỏi gà ăn để tăng cường chất xơ chống táo bón, nhưng nhớ luộc kỹ để loại bỏ chất chát. Uống nước hoa chuối còn giúp loại acid uric và cặn lắng trong bàng quang, giúp loại bỏ chất độc trong người. Đặc biệt do bắp chuối ở trên cây nên đảm bảo sạch và không có thuốc trừ sâu, an toàn hơn các loại rau khác.
7. Thân chuối hột
- Giúp ổn định đường huyết, chọn cây chuối hột có bắp đang nhú, cắt ngang cây (cách mặt đất 20 – 25 cm) và khoét một lỗ rỗng to ở thân chuối, để một đêm, sáng hôm sau múc nước từ lỗ rỗng (do gốc thân cây chuối tiết ra) mà uống. Dùng thường xuyên sẽ ổn định được đường huyết. Nhưng cách dùng này thì phải bỏ mất cây chuối nên cũng hơi cầu kỳ.
- Chữa phù, theo một số tài liệu nước ngoài, nước sắc thân và lá chuối hột còn có tác dụng lợi tiểu mạnh.
Hiện nay ở các quán nhậu bình dân thì món rượu chuối hột cũng là món ưa thích của nhiều quý ông vì tin rằng nó giúp bổ thận tráng dương, tăng cường sinh lực phái mạnh, vì vậy nếu uống rượu pha chế không đúng quy cách cũng đã xảy ra nhiều trường hợp ngộ độc rượu chuối hột, do đó cũng nên giới thiệu cách để chế biến một bình rượu chuối hột ngon, hấp dẫn, đảm bảo vệ sinh an toàn.
Cách ngâm rượu chuối hột ngon
Chọn chuối hột thật chín, lột bỏ, ép mỏng phơi nắng (nhớ che để giữ không cho ruồi nhặng hoặc bụi bay vào), phơi càng khô càng tốt.
Rượu ngâm phải là rượu trắng, không tạp (thường gọi là rượu cốt, rượu nguyên chất, rượu nếp hoặc gạo đều được, nồng độ rượu > 40 độ).
Dụng cụ ngâm rượu phải là bình thủy tinh, rửa sạch. Bỏ chuối vào 1/3 bình, đổ rượu đầy 2/3. Đậy kỹ nắp, khoảng 3 tháng là uống được, để càng lâu càng tốt. Rượu có vị ngọt thơm, màu vàng nhạt. Dùng chữa bệnh thận, sỏi thận, đái tháo đường, đau lưng, nhức mỏi xương khớp, bổ thận tráng dương, tăng cường sinh lực, kích thích tiêu hóa, lợi tiểu, bồi bổ cơ thể, giúp ăn ngon, ngủ yên giấc.
Tuy vậy nhưng rượu chuối hột vẫn được xếp vào loại rượu thuốc, không phải uống để nhậu xỉn. Liều dùng 10 – 20ml uống trong bữa ăn.
Có thể gia thêm với chuối hột các vị thuốc bổ khí, bổ huyết, bổ thận như Đỗ trọng, Ba kích, Ngưu tất, Tục đoạn, Đại táo, Long nhãn, Đương quy, Thục địa, Câu kỷ tử, Bạch thược, Xuyên khung, Đảng sâm, Hoàng kỳ, Cam thảo, Quế chi (4-8g mỗi vị), các vị thuốc này cũng được rửa sạch, phơi khô và nên mua ở các cơ sở y học cổ truyền uy tín, có thể thêm ít mật ong để có một bình rượu thơm ngon.
Chú ý, thuốc rượu do dùng rượu trắng hay rượu nếp để ngâm, nên các thành phần hoạt chất có trong chuối hột sẽ được chiết xuất và khuếch tán hoàn toàn trong rượu, nếu dùng chữa bệnh chỉ nên dùng khi nào khỏi bệnh thì ngưng, không nên dùng lâu dài với liều cao hơn 30ml/ ngày, vì có những thuốc tuy không có biểu hiện ngộ độc cấp tính nhưng khi dùng từ 3-6 tháng lại có các biểu hiện ngộ độc. Ngoài ra rượu cũng có điểm lợi là nó giúp dẫn thuốc nhanh, tác dụng nhanh, biến dưỡng và đào thải cũng nhanh, nhưng điểm hại là khi uống nồng độ cao có thể ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể. Hơn nữa chuối hột dùng lâu cũng có tác dụng phụ là gây kích ứng niêm mạc dạ dày do ngộ độc tanin, người bị đau dạ dày, trĩ, táo bón, phụ nữ đang có thai và sau khi sanh không nên dùng. Người bị huyết áp cao cũng không nên dùng.
Theo DS Lê Kim Phụng-taghcm.org.vn
Các bài thuốc dân gian từ cây chuối hột