Nền nông nghiệp điện tử, nông nghiệp xanh được các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, I-xra-en phát triển từ nhiều năm nay nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp. Ở nước ta, để đạt được mục tiêu xây dựng nông thôn mới cùng với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững cần thiết phải xây dựng một nền nông nghiệp điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và những tiến bộ của khoa học-công nghệ (KHCN).
Ảnh minh họa
Không thể phủ nhận vai trò của CNTT trong đời sống xã hội cũng như các ngành kinh tế. Các nước trên thế giới hiện đang ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào nền nông nghiệp xanh. Điển hình như I-xra-en, với những kinh nghiệm ứng dụng CNTT, 1ha đất có thể đạt năng suất hơn 3 triệu bông hồng, 1 con bò có thể đạt 11 tấn sữa/năm. Trong khi đó, chỉ với khoảng 3% dân số làm nông nghiệp và điều kiện thời tiết không thuận lợi, nền nông nghiệp điện tử của I-xra-en tạo ra tổng giá trị sản lượng gần 23 tỷ USD/năm, không chỉ bảo đảm đủ nhu cầu lương thực trong nước mà còn xuất khẩu đạt 3 tỷ USD nông sản/năm.
CNTT đã đi vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội và các ngành kinh tế. Với ngành nông nghiệp nói riêng, các chuyên gia nhận định, khi CNTT kết hợp với điện tử, viễn thông, tự động hóa sẽ tạo ra các hệ thống tự động tính toán nhu cầu nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các vật tư khác một cách chính xác, điều hành cung cấp các loại vật tư vừa đủ cho cây trồng, vật nuôi bằng các thiết bị tự động để nâng cao hiệu quả nuôi trồng, giảm dư lượng các chất độc hại. Bên cạnh đó, CNTT sẽ thực hiện các bài toán dự báo lũ, mực nước các hồ chứa, ngập lụt ở hạ du do mưa và xả lũ gây ra ngập lụt vùng ven biển do nước dâng; dự báo về dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; dự báo thị trường nông sản… Kết quả của những dự báo là cơ sở để nhà quản lý đưa ra các quyết định hợp lý.
CNTT còn giúp kết nối 4 nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà quản lý). Nhờ vào CNTT, người nông dân được tiếp cận các tiến bộ KHCN có thể lựa chọn để áp dụng, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động. Ví dụ, với thông tin trên internet, từ kết quả mùa vụ được phân tích và trích xuất thành các báo cáo hiển thị trực quan, người nông dân có thể lựa chọn được phương án canh tác hiệu quả. Thông qua các hệ thống dự báo, họ có thể biết được tình hình sâu bệnh thời điểm hiện tại và dự kiến diễn biến sắp tới, biết được thời tiết và những chỉ số quan trọng khác. Ví dụ như đối với thị trường gạo, nếu được phát triển và triển khai ứng dụng tốt, CNTT có thể giúp nắm bắt được tình hình sản xuất lúa trong nước, trên thế giới và từ đó sẽ chủ động từ khâu sản xuất, cung cấp và dự báo được thị trường đầu ra, giảm lãng phí công sức, chi phí của nông dân.
Hiện nay, các nước trên thế giới và ở Việt Nam đang ứng dụng nhiều đến công nghệ viễn thám trong nông nghiệp. CNTT kết hợp với công nghệ viễn thám tạo thành các hệ thống thông tin cho phép theo dõi tiến độ mùa vụ, xác định giai đoạn sinh sản của cây trồng để tính đúng, đủ nhu cầu nước, phân bón các loại, đánh giá mức độ nhạy cảm của cây trồng với những loại sâu, bệnh khác nhau. Một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang sử dụng hệ thống thông tin địa lý-viễn thám quản lý sản xuất lúa. Hệ thống này giúp theo dõi tiến độ gieo trồng, tiến độ thu hoạch, cơ cấu giống trên các cánh đồng, tình hình sâu bệnh, biến động diện tích lúa qua từng vụ, từng năm, có được thông tin dự báo về năng suất lúa trên các cánh đồng… Những thông tin này rất cần cho việc định hướng sản xuất của người nông dân, công tác hỗ trợ sản xuất của Chính phủ, dự kiến kế hoạch thu mua, xuất khẩu gạo của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo nhận định của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Chủ nhiệm Chương trình KHCN phục vụ xây dựng nông thôn mới, quan điểm, nhận thức về CNTT ở nước ta chưa đạt được sự nhất quán từ Trung ương đến địa phương. Việc ứng dụng CNTT trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế và manh mún, chỗ nào mạnh thì triển khai, chỗ nào yếu thì không áp dụng. Bên cạnh đó, tỷ trọng đầu tư cho CNTT trong nông nghiệp còn thấp hơn nhiều so với những công nghệ khác.
CNTT không tác động trực tiếp lên giá trị sản phẩm nông nghiệp, nhưng tác động gián tiếp và đem lại lợi ích lâu dài. Nếu áp dụng CNTT vào sản xuất, phân phối sản phẩm nông nghiệp một cách hệ thống, đúng hướng thì kết quả thu được là rất lớn trên nhiều mặt, không chỉ là gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp hay tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, hiện nay nước ta đang thiếu một định hướng lâu dài, quy hoạch đồng bộ để phát triển và ứng dụng CNTT cho nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Nguồn: Viện Khoa Học Kỹ Thuật Nông Nghiệp Miền Nam
Nền nông nghiệp điện tử