Củ ấu vị ngọt tính mát, có tác dụng giải cảm nắng, giải các chất độc, bổ ngũ tạng, chữa rôm sảy, da mặt khô sạm, chữa nhức đầu, choáng váng cảm sốt, chữa loét dạ dày, giải độc rượu…
Củ ấu hay còn có tên là ấu trụi, ấu nước, kỵ thực, hạt dẻ nước, năng thực…Tên khoa học: Trapa bicornis L., họ Trapaceae.
Ấu là loại cây sống dưới nước, mọc trong ao đầm thân ngắn, có lông. Có hai thứ lá: lá nổi có phao ở cuống, hình quả trám, mép trên có răng cưa, dài 4 – 5cm, rộng 6 – 7cm, cuống dài 6 – 15cm, giữa có phao; lá chìm thì phiến lá giảm, phiến xẻ lông chim nhưng rất nhỏ nên trông chỉ còn có các đường gân.
Củ ấu tuy đúng ra là “quả”, vì nó phát triển dưới nước đến khi già thì rụng và vùi xuống bùn nên được gọi là “củ”. Quả có hai sừng, quả cao 35mm, rộng 5cm, sừng dài 2cm, đầu sừng hình mũi tên, sừng do các lá đài phát triển thành. Trong quả chứa một hạt ăn được, có vị ngọt mát, bùi, giàu dinh dưỡng. Củ ấu có 4 loại là ấu đỏ, ấu 2 sừng, ấu 3 sừng và ấu 4 sừng…
Trong 100g củ ấu chín có 4,5g albumin, 0,1g chất béo, 19,7g chất đường các loại, 0,19g vitamin B1, 0,06g B2, 1,5mg PP, 13mg C, 7mg Ca, 0,7mg sắt, 19mg Mn, 93mg P. Đặc biệt, các nhà khoa học còn phát hiện ra trong củ ấu có chứa chất AH13 được dùng hỗ trợ điều trị chống ung thư gan.
Công dụng và liều dùng:
Củ ấu vị ngọt tính mát, có tác dụng giải cảm nắng, giải các chất độc, bổ ngũ tạng, chữa rôm sảy, da mặt khô
sạm, chữa nhức đầu, choáng váng cảm sốt, chữa loét dạ dày, giải độc rượu…
Củ ấu chủ yếu được nhân dân dùng luộc ăn hoặc chế biến thành bột trộn với mật hay đường làm bánh. Ngày dùng 3 – 4 quả dưới dạng thuốc sắc.
Toàn cây chữa trẻ con sài đầu, giải độc rượu, làm cho sáng mắt. Ngày dùng từ 10 – 16g dưới dạng thuốc sắc.
Dùng ngoài không kể liều lượng.
Cần lưu ý, tuy củ ấu là vị thuốc, ăn ngon, nhưng do tính mát, dễ gây nê trệ nên ăn nhiều sẽ gây đầy bụng, trướng hơi, người có tỳ vị hư nhược, đại tiện lỏng không nên dùng dạng sống.
Một số bài thuốc làm đẹp từ củ ấu:
- Da mặt khô sạm: dùng củ ấu tươi, giã nát, xoa lên da mặt. Mỗi ngày 1 lần vào buổi tối, liên tục 15 ngày/ 1 liệu trình. Ngưng 2 ngày, tiếp tục 2 – 3 liệu trình là khỏi.
- Da khô nóng như da gà, người gầy, môi khô, tóc khô thưa, chẻ ngọn, ngủ không ngon giấc, hay bị táo bón, nước tiểu thường sẫm màu hơn bình thường, hay bị ngứa trên da…: dùng thịt củ ấu tươi 50g, địa cốt bì 20g, câu kỷ tử 10g, hoàng cầm 8g, cam thảo 6g, sắc uống, ngày 2 lần, liên tục 10 ngày.
- Dưỡng da, làm trắng da, xóa tàn nhang: dùng củ ấu già (lấy phần thịt), bạch phục linh, lượng bằng nhau, sấy khô, nghiền thành bột thật mịn. Mỗi tối, trước khi đi ngủ lấy một lượng bột thuốc vừa đủ hòa đều với lòng trắng trứng gà thành dạng hồ, thoa đều lên mặt thành một màng mỏng, sáng hôm sau rửa sạch bằng nước ấm. Cũng có thể dùng mật ong để thay lòng trắng trứng. Mỗi tuần làm từ 1 – 2 lần, liên tục 2 – 3 tháng.
Trong củ ấu có chứa chất AH13 được dùng hỗ trợ điều trị chống ung thư gan.
BS. NGUYỄN TRƯƠNG MINH THẾ
Giảng viên Khoa YHCT – ĐH Y Dược TP. HCM
Củ ấu làm đẹp