Trong thời gian gần đây, một loài dây leo mới xuất hiện nhiều nơi, rất được người trồng ưa chuộng không do màu hoa sặc sỡ như dây Ánh hồng, dây Chùm pháo, dây Đăng tiêu…, cũng không do dạng lá đẹp hay thân lạ, mà là do hệ thống rễ bất định mọc ở các nách lá chạy dọc suốt thân cành của nó. Những rễ này buông thõng mềm mại, màu hồng thắm khi còn non rồi chuyển qua vàng xám khi già dần. Khi được trồng cho leo vắt ngang thẳng tấp theo ban-công nhà hoặc leo trải rộng trên mặt giàn, các rễ lần lượt buông thõng xuống, thân cành vươn đến đâu, rễ lại buông đến đấy, tạo thành một bức rèm trông rất đẹp mắt.
Đây là loài dây leo thuộc chi thực vật cissus, có tên khoa học là Cissus verticillata, tên đổng nghĩa là Cissus sicyoides thuộc họ Nho (Vitaceae), tên tiếng Anh là Princ- esvine, là loài phân bố tự nhiên ở nhiều vùng của Châu Mỹ, từ Bắc Mỹ (Florida, Northern Mexico) cho đến Trung và Nam Mỹ (Costa Rica, El Salvador, Guatemala, Nicaragua, Panama, Colombia, Ecuador, Peru…). Do mới du nhập về đất nước ta chưa lâu nên loài cây này chưa được cập nhật vào các tài liệu khu hệ thực vật Việt Nam, vì thế để có một tên tiếng Việt phổ biến cũng không đơn giản. Do nghĩ rằng cần có một tên gọi sao để vừa nói lên mối quan hệ thân thuộc với các dây Hồ đằng ở Việt Nam, vừa thể hiện đặc điểm độc đáo là có bộ rễ tạo thành bức rèm uyển chuyển, nên chúng tôi tạm gọi nó là “Liêm hồ đằng” (Hồ đằng rèm).
Liêm hồ đằng có lá hình tim, sẫm màu, leo nhờ tua cuốn ở nách lá. Hoa mọc thành hoa tự xim, tập hợp nhiều hoa nhỏ, màu vàng sữa. Cây ít rụng lá, hoa rụng không gây bẩn, lại có bộ rễ đẹp nên rát thích hợp với việc trồng tôn tạo cho tiền sảnh tư thất, đền chùa, công sở… Ở nhiều tỉnh thành Việt Nam, do thời tiết mùa hè rất oi bức, ánh nắng chói chang, trước hiên nhà có được bức rèm thực vật như thế theo chúng tôi là rất lý tưởng, nó giúp làm dịu ánh sáng chói chang khi nhìn từ trong nhà ra ngoài và cũng hạn chế những cái nhìn vô cớ của những người qua lại vào cảnh nhà đang sinh hoạt riêng tư. Để tạo cho bức rèm rễ có độ thưa đều và có chiều cao đúng tầm theo ý muốn, người trồng dùng kéo để tỉa thưa và cắt bằng phần chóp rễ. Từ vết cắt, nhiều rễ con mới màu hồng mọc ra, rủ xuống theo chiều trọng lực, càng tăng vẻ đẹp tự nhiên của nó. Đặc biệt vào những sáng sớm mùa hè, các đầu mút rễ đọng những giọt nước, lấp lánh ánh sáng trông rất huyền ảo.
Ngoài tác dụng làm cảnh, cây Liêm hồ đằng còn có nhiều tác dụng dược học đáng lưu ý. Toàn thân cây từ lá, thân đến rễ đéu có tác dụng lợi tiểu, điều kinh, long đàm, chữa trị được nhiều bệnh khác nhau như bỏng nắng hay bỏng nước sôi, ung loét da, da thâm tím, phù chân, tê thấp, cúm, đau lưng, mẩn ngứa, trĩ, hoại thư…
Cây rất dễ nhân giống và dễ trồng. Muốn nhân giống chỉ cần chọn phần thân bánh tẻ (không quá non hay quá già), cắt hết lá, chỉ chừa một phần cuống, cắt thành từng đoạn có từ hai đến ba mắt lá để làm hom giâm. Cũng do dễ tái sinh dinh dưỡng như thế nên cây có nguy cơ xâm hại môi trường vô cùng nguy hiểm khi chúng ta buông lỏng quản lý. Chỉ cần cắt tỉa cành ném vào thùng rác công cộng hoặc vất bừa vung vãi vào các bãi đất hoang một đoạn thân ngắn vài tấc là đã vô tình phát tán không mong muốn. Trong thực tế, nhiều nơi Liêm hồ đằng đã bắt đầu xâm lấn môi trường tự nhiên và đất sản xuất. Một khi đã phát tán, lây lan, cây trở thành bất trị, chúng leo phủ nhiều cây lục hóa, cây ăn quả, hàng rào xanh… cạnh tranh ánh sáng làm cho cây chủ tiêu điều xơ xác, chết khô dần, muốn tận diệt phải tốn rất nhiều công sức. Hiện trạng này còn nguy hại hơn các loài bìm trắng và bìm vàng đã và đang xâm lấn rừng tự nhiên, đặc biệt là các khu rừng phục hồi ở nhiều tỉnh miền Trung, một bài toán nan giải cho ngành Lâm nghiệp địa phương.
Với bài viết này, người viết hy vọng người trồng nên quan tâm quản lý, luôn có biện pháp cắt tỉa đúng mức, không vút bỏ cành nhánh bừa bải mà phải phơi khô, đốt cháy cành nhánh đã cắt tỉa hoặc chôn vùi sâu để tránh tình trạng lây lan ngoài ý muốn.
Tác giả Đỗ Xuân Cẩm – Tapchihoacanh
Liêm hồ đằng-dây leo làm cảnh có nguy cơ xâm hại
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét