Cây trinh nữ hoàng cung còn có tên gọi khác là Hoàng cung trinh Nữ – Tây nam văn châu lan – Thập bát học sĩ (Trung Quốc), Tỏi Thái Lan.Tên khoa học cây trinh nữ hoàng cung là Crinum latifolium L, thuộc họ Thủy tiên Amaryllidaceae.
Tên trinh nữ hoàng cung do cây này được dùng để trị bệnh cho những phụ nữ còn trinh tiết được tuyển chọn vào cung vua nhưng không được vua chú ý nên mắc một số bệnh riêng của những phụ nữ sống trong cùng hoàn cảnh.
1. Mô tả cây trinh nữ hoàng cung
Trinh nữ hoàng cung là một loại cỏ đa niên có thân hành như củ hành tây to, đường kính 10-15cm, bẹ lá úp vào nhau thành một thân giả dài khoảng 10-15cm, có lá mỏng kéo dài từ 80-100cm, rộng 3-8cm, hai bên mép lá lượn sóng. Gân lá song song, mặt bên lá lõm thành rãnh, mặt dưới lá có một sống lá nổi rất rõ, đầu bẹ lá nơi sát đất có màu đỏ tím.
Hoa mọc thành tán gồm 6-18 hoa, trên một cán hoa dài 30-60cm. Cánh hoa màu trắng có điểm màu tím đỏ, từ thân hành mọc rất nhiều củ con có thể tách ra để trồng riêng dễ dàng.
2. Phân bố, thu hái và chế biến cây trinh nữ hoàng cung
Nhân dân thường nói rằng trinh nữ hoàng cung chỉ mọc ở Thái Lan, Campuchia nhưng thực tế ở Việt Nam cũng có mọc từ lâu và hiện nay thấy trồng ở cả 3 miền Bắc, Trung và Nam. Ở Việt Nam bộ phận dùng là lá dùng tươi hay phơi hoặc thái nhỏ sao vàng dùng dần. Nhưng ở một số nước người ta dùng cán hoa, thân hành của cây, thái nhỏ phơi khô.
3. Thành phần hóa học của cây trinh nữ hoàng cung
Năm 1984, Ghosal (Ấn Độ) đã phân lập và xác định từ cán hoa trinh nữ hoàng cung một glucoancaloit có tên latisolin. Thủy phân bằng enzyn thu được aglycon có tên latisotin (J. Chem.Res. 1983)
Ghosal và Shibnath còn phân lập từ thân hành lúc cây đang ra hoa pratorimin và pratosin là 2 ancaloit pyrrolophennanthrindon mới cùng với những chất đã được biết như pratorimin, ambelin và lycorin.
Năm 1986, Ghosal còn công bố tách được từ trinh nữ hoàng cung một số dẫn chất ancaloit có tác dụng chống ung thư crinafolin và crinafolidin (C. A., 1987, vol. 106. 64286n). Năm 1989, Ghosal còn chiết được từ dịch ép của cán hoa trinh nữ hoàng cung 2 ancaloit mới có nhân pyrrolophennanthrindon là 2 -epilycorin và 2 -epipancrssidin (Phytochemistry, 1989, 28(9), 2535-7).
Một số nhà khoa học Nhật Bản (Kobayashi Shgenru, Tomoda, Masashi, vol. 102. 3236s và 128865s, 21140k) cũng tìm thấy một số ít ancaloit khác từ trinh nữ hoàng cung.
4. Công dụng chữa bệnh và liều dùng
Từ những năm 1989-1990, nhân dân ta đồn nhau tìm sử dụng lá cây trinh nữ hoàng cung để chữa những bệnh trường hợp u xơ, ung thư tử cung (đối với phụ nữ) u xơ và ung thư tiền liệt tuyến (đối với nam giới) với cách dùng như sau: Ngày uống nước sắc của 3 lá trinh nữ hoàng cung hái tươi thái nhỏ ngắn 1-2cm, sao khô màu hơi vàng, uống luôn trong 7 ngày, rồi nghỉ 7 ngày, sau đó lại uống tiếp 7 ngày nữa, lại nghỉ 7 ngày và uống tiếp 7 ngày. Tổng cộng 3 đợt uống là 7x3x3 là 63 lá, xen kẽ 2 đợt nghỉ uống, mỗi đợt 7 ngày. Nhiều người chỉ uống nước sắc trinh nữ hoàng cung như trên cũng thu được kết quả tốt.
Hiện nay cây trinh nữ hoàng cung đã được bào chế thành trà hay thuốc uống phòng và hỗ trợ điều trị các bệnh về u xơ nói chung.
Theo Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GSTS Đỗ Tất Lợi
Cây trinh nữ hoàng cung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét