Quảng Cáo

Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014

Vị thuốc từ cây huyết dụ

Theo Đông y, Huyết dụ có vị nhạt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng bổ huyết, tiêu ứ, cầm máu dùng chữa chứng kiết lỵ, rong kinh, phong thấp nhức xương, xích bạch đới, giảm đau, phong thấp gây đau nhức.


Cây Huyết dụ có tên khoa học: Folium Cordyline, được trồng nhiều nơi làm cảnh hoặc làm thuốc. Cây Huyết dụ có lá mọc thành chùm ở ngọn cây, lá như mũi dao màu đỏ tím.


Cây huyết dụ có lá màu đỏ tím Cây huyết dụ có lá màu đỏ tím


Theo Đông y, Huyết dụ có vị nhạt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng bổ huyết, tiêu ứ, cầm máu dùng chữa chứng kiết lỵ, rong kinh, phong thấp nhức xương, xích bạch đới, giảm đau, phong thấp gây đau nhức. Huyết dụ có tác dụng dùng trị lao phổi với ho thổ huyết, rong huyết, băng huyết, lậu huyết, kinh nguyệt ra quá nhiều, kiết lỵ ra máu, phong thấp, đau nhức xương, chấn thương bị sưng, viêm ruột, lỵ, ho gà ở trẻ em. Ngày uống nước sắc từ 20-25g lá tươi. Sau đây là một số tác dụng của cây Huyết dụ:


- Chữa rong kinh, rong huyết: Kinh quá nhiều sau khi đẻ hoặc sẩy thai (nhau đã ra rồi): Lá Huyết dụ 20g, rễ cỏ tranh 10g, đài tồn tại của quả mướp 10g, rễ cỏ gừng 8g. Tất cả mang thái nhỏ sắc với 400ml nước còn 100ml. Chia uống làm 2 lần trong ngày.


- Chữa khí hư bạch đới: Lá Huyết dụ tươi 40g, lá thuốc bỏng 20g, Bạch đồng nữ 20g, sắc uống.


- Chữa ho ra máu: Lá Huyết dụ 10g, rễ Rẻ quạt 8g, Trắc bách diệp sao đen 4g, lá Thài lài tía 4g. Tất cả phơi khô, sắc chia làm 2-3 lần uống trong ngày.


- Chữa bị thương ứ máu hay phong thấp đau nhức: Dùng Huyết dụ cả lá, hoa, rễ 30 g, Huyết giác 15 g, sắc uống.


- Chữa kiết lỵ ra máu: Rễ Huyết dụ 20g, Nhọ nồi 12g, Rau má 20g, rửa sạch giã nát, thêm nước, gạn uống. Dùng 2-3 lần ngày.


- Chữa trĩ ra máu, đái ra máu, băng huyết: Lấy 20g lá Huyết dụ tươi rửa sạch. Đổ 200ml nước vào sắc còn 100ml, chia uống trong ngày.


- Chữa đái ra máu: Lá Huyết dụ 20g, rễ cây Ráng, lá Lấu, lá cây Muối, lá Tiết dê, mỗi vị 10g. Rửa sạch, giã nát, thêm nước, gạn uống. Có thể dùng riêng lá Huyết dụ tươi 40-50g hoặc hoa và lá khô 20-25g.


- Chữa viêm dạ dày, viêm ruột, trĩ nội, hậu môn lở loét ra máu: Huyết dụ tươi 40 g, lá thuốc bỏng (sống đời), lá băn (xích đồng nam) đều 20 g, sắc uống.


- Chữa chảy máu cam, cháy máu dưới da: Lấy 30g lá Huyết dụ tươi, 20g cỏ Nhọ nồi, 20g lá Trắc bá (sao cháy) sắc uống.


- Chữa các loại chảy máu, xuất huyết tử cung và tiêu tiểu ra máu: Lá tươi huyết dụ 40-50 g, sắc uống (hoặc lá khô, hoa khô với lượng bằng 1/2 lá tươi).


Lưu ý: Phụ nữ trước khi sinh con và sau khi sinh mà bị sót nhau thì không được dùng thuốc có vị Huyết dụ và không dùng sau khi nạo thai.


DS. MỸ NỮ-nongnghiep.vn



Vị thuốc từ cây huyết dụ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét