Từ lâu nhiều người đã biết cây lá ngón độc chết người. Ở Pác Nặm (Bắc Kạn) 10 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm có đến 10 người tự tử bằng lá ngón, phần nhiều là người Mông. Lá ngón được coi là một trong 4 loại cây có độc tính hàng cao nhất (độc dược bảng A), còn được gọi là cây rút ruột, co ngón, hồ mạn trường, hồ mạn đằng, hoàng đằng, đoạn trường thảo, câu vẫn …
Tại các huyện vùng núi cao phía Tây Nghệ An dễ dàng tìm thấy cây lá ngón mọc xen với những bụi cây khác trên sườn núi ở khắp mọi nơi, trên những ngả đường đến trường của các em nhỏ, mọc xen kẽ trên nương rẫy, thậm chí sát vách nhà.
Cách quản lý loài cây độc ấy chưa có gì mới nên nó tiếp tục là mối nguy hiểm đe dọa tính mạng trẻ em vùng cao, kể cả những người lớn khi gặp bất trắc muốn thoát đời. Đầu năm ngoái ở bản Mường Lống, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, hai em nhỏ chơi trong rừng, rủ nhau tìm lá chua để ăn, đã ăn nhầm phải lá ngón, khiến một bé tử vong, một bị ngộ độc nặng. Trước đó 3 đứa trẻ đều lên 8 ở bản Đông Giới, xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn vào chơi trong trường học bị bảo vệ dọa mách bố mẹ đã vì sợ mà hái lá ngón ăn, hai cháu chết ngay lập tức, gây bao nỗi xót xa.
Chưa có thống kê đầy đủ số người, cố tình hoặc vô ý chết vì cây lá ngón nhưng thực tế cho thấy các địa phương không thể xem nhẹ việc tuyên truyền về tác hại nguy hiểm của cây độc này. Mới đây chính quyền xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn tích cực vận động người dân chặt phá, tiêu hủy cây lá ngón. Mọi người cũng được học cách giải độc kịp thời cho người ăn lá ngón mà kinh nghiệm dân gian là ngâm người trong nước lạnh, chặt cây chuối áp vào cho người mát, và bằng mọi cách giúp nạn nhân nôn ra càng sớm càng tốt. Sau đó đưa đến trạm y tế gần nhất để y, bác sĩ rửa ruột. Những bài học này cần nhân rộng ở tất cả vùng rừng núi có nhiều cây lá ngón.
Nhưng đâu chỉ miền núi mới báo động loài cây độc đe dọa tính mạng con người. Tại các thành phố hiện nay nhiều loại axit độc hạị, nguy hiểm vẫn bị thả nổi việc quản lý. Nhà nước đã quy định buôn bán hóa chất như acid sunfuric phải khai báo nhưng hóa chất độc này bán tràn lan. Chính việc mua bán tự do dẫn đến biết bao ca bỏng thương tâm vì axít, do những kẻ thủ ác gây nên, phải điều trị rất tốn kém, di chứng không tính xiết.
Quản lý axit, cây lá ngón và các chất độc hại cần phải chặt chẽ hơn. Cùng với việc tuyên truyền thì chế tài xử phạt cần cụ thể, để không còn nhiều cái chết thương tâm mà người ta chỉ biết… kêu trời!
Kim Vân-daidoanket.vn
Bài học từ cây lá ngón
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét