Hiện nay đang lan truyền “bài thuốc quý” chữa dứt bệnh viêm xoang mũi bằng cành giao với phương pháp rất đơn giản: đun cây giao tươi lên và xông. Mấy ai biết loài thảo dược này cũng được xếp vào nhóm thuốc độc.
1.Dược tính của cây giao
Cây giao tên khoa học Euphorbia tirucalli L., thuộc họ thầu dầu – Euphorbiaceae. Nhựa cây, lá, rễ của các loài Euphorbia khác nhau đã được sử dụng trong y học dân gian nhiều thế kỷ. Ở Trung Quốc, người ta dùng toàn cây trị thiếu sữa, nấm ngoài da, khớp xương buốt đau. Ở Ấn Độ, nhựa cây giao được dùng trị mụn cóc, thấp khớp, đau thần kinh, đau răng, trị ho, hen suyễn, đau tai và dùng ngoài làm thuốc trừ sâu và giết cá. Còn Indonesia dùng nhựa trị bệnh ngoài da, trĩ, mụn mủ, bướu, táo bón. Thái Lan thì dùng nhựa tươi trị mụn cóc.
Ở nước ta, cành lá cây giao được dùng trị bệnh ngoài da, táo bón và liệt dương (viện Dược liệu), rễ cây dùng trị loét mũi và trĩ. Nhân dân cũng dùng cành tươi ngâm rượu chữa đau răng (tài liệu của GS Đỗ Tất Lợi).
Tại Hoa Kỳ, người ta chiết xuất hoạt chất của cây giao ở dạng chất lỏng và bày bán tự do tại nhiều cửa hàng thực phẩm. Nhiều người tự ý mua uống để điều trị ung thư, khối u lành tính, mụn cóc, u nang, không cần toa bác sĩ. Một số “lang băm” cũng khuyên nên uống năm giọt chất lỏng hoà trong nửa cốc nước lọc hoặc trà để phòng ung thư. Nhưng những tác động trên chỉ mới được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và thử trên động vật, cho thấy hoạt chất của cành giao có thể tăng cường hệ miễn dịch của những con chuột mắc bệnh ung thư, chứ chưa có nghiên cứu lâm sàng nào được công bố. Dù vậy những sản phẩm này vẫn được bán như là một thực phẩm bổ sung vào chế độ ăn uống.
2. Lưu ý độc tính cây giao ảnh hưởng đến sức khỏe
Các loài Euphorbia đều chứa nhựa nhưng nhựa cây giao được xem độc nhất, tuy không gây chết người nhưng làm tổn thương nặng da và mắt, vì vậy khi thu hái các loài cây này cần mang bao tay và đeo kính bảo vệ mắt.
Nhựa của cây giao có thể gây bỏng, phồng rộp như mụn nước hoặc tạo vết loét trên da và niêm mạc, nếu dính vào mắt sẽ gây cảm giác đau rát nặng dẫn đến mù loà trong vài ngày. Ở dạng thuốc uống, nó có thể gây cảm giác cháy bỏng trong miệng môi, lưỡi và cổ họng, đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy và loét dạ dày. Một số trường hợp tử vong được ghi nhận ở miền Đông châu Phi. Trẻ em và vật nuôi có thể bị tổn hại nếu họ ăn nhằm nhựa cây giao. Tại Zimbabwe, một người đàn ông được ghi nhận đã chết vì xuất huyết dạ dày và ruột sau khi nuốt mủ cây này để chữa bệnh vô sinh. Nhiều trường hợp người dân đi cắt cỏ vô tình bị mủ cây giao bắn vào mắt sau đó dù đã chữa trị tích cực nhưng mức độ hư hỏng vẫn đến 60 – 70%, có trường hợp bị lồi hẳn nhãn cầu ra ngoài. Do vậy, khi bị nhựa cây giao văng vào mắt, phải rửa ngay với nước mát sạch, cứ 15 phút rửa lại một lần, uống kèm thuốc giải dị ứng và đi ngay đến phòng khám mắt để được chữa trị kịp thời.
3.Tác dụng phụ của cành giao
Cây giao có tương tác với thuốc chống co giật, vì vậy những người đang dùng thuốc chống co giật cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng. Thảo dược này có tác dụng giảm ho, vì vậy cần thận trọng khi dùng chung với các loại thuốc ho khác vì nó có thể gây tác dụng hiệp đồng tăng mức. Hoạt chất của cây có thể tương tác với các thuốc loại hormon thay thế, phụ nữ đang dùng hormon trong giai đoạn mãn kinh hoặc dùng thuốc tránh thai cần tránh sử dụng.
Lưu ý là dạng thực phẩm bổ sung cũng có thể gây hiện tượng co giật. Nên tham khảo ý kiến các chuyên viên y tế có trình độ hoặc dược sĩ trước khi dùng riêng lẻ hay kết hợp thảo dược này với dược liệu khác trong điều trị.
DS Lê Kim Phụng-sgtt.vn
Lưu ý độc tính của cây giao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét