Cây Dành dành, dân gian hay dùng để đồ xôi, làm bánh vì quả có màu sắc đẹp, có tên khoa học là Gardenia jasminoides thuộc họ Cà phê (Rubiaceae). Cây thuộc loại nhỡ cao hơn 1m, phân cành nhiều. Lá mọc đối hay mọc vòng 3, lá có hình trái xoan hay bầu dục dài, nhẵn bóng, lá kèm mềm ôm lấy cả cành như bẹ lá. Hoa mọc đơn độc ở đầu cành, màu trắng, rất thơm. Cuống có 6 cạnh hình như cánh. Quả thuôn bầu dục, có nhiều rãnh dọc như cánh màu vàng cam, trong chứa nhiều hạt dính nhau thành một khối. Hoa dành dành được dùng trong kỹ nghệ hương liệu và nước hoa (mùi thơm jasmine).
1. Vị thuốc từ cây dành dành
Cây Dành dành là cây của vùng lục địa Đông nam châu Á, mọc hoang ở nhiều nước. Dân gian hay làm cảnh trước sân nhà hoặc hai bên lối đi, hoa của cây dành dành có mùi thơm nhẹ nhàng dễ chịu nên được ưa thích. Trồng bằng cành hoặc bằng hạt vào mùa xuân-hè. Lá thu hái quanh năm, dùng tươi. Rễ thu hái quanh năm, rửa sạch, thái lát, phơi khô để dùng. Quả thu hái ghi gần chín, ngắt bỏ cuống, đem phơi hay sấy nhẹ đến khô. Nếu bóc vỏ trước khi sấy sẽ được một vị thuốc với tên gọi là Chi tử nhân (giống như cái chén đựng rượu của vua chúa ngày xưa).
Theo các tài liệu nghiên cứu ghi nhận trong quả có một chất màu vàng là gardenin. Ngoài ra còn có tannin, tinh dầu và chất pectin. Trong lá có 10-20% mannit. Gardenin có tác dụng ức chế và làm giảm lượng sắc tố mật trong máu, nên được dùng để trị bệnh hoàng đản (vàng da). Nước sắc dành dành cũng có tác dụng kháng sinh đối với một số vi trùng, tác dụng hạ áp, tăng bài tiết dịch mật.
Vị thuốc được dùng từ cây dành dành với tên gọi Chi tử có vị đắng, tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, chỉ huyết, mát huyết, tiêu viêm. Thường được dùng chữa viêm gan nhiễm trùng vàng da, ngoại cảm phát sốt, mất ngủ, viêm kết mạc mắt, loét miệng, đau răng, người hay chảy máu cam, thổ huyết, tiểu tiện ra máu, trong người nóng gây tiểu tiện ít và khó đi, viêm thận, phù thũng. Có thể dùng quả khô với liều từ 6-12g, hoặc rễ khô 20-40g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài, nghiền quả và thêm ít nước hoặc rượu trắng để đắp trị đinh nhọt, lở loét và bong gân. Lá cũng có thể dùng tươi giã đắp đau mắt đỏ.
2. Các bài thuốc dân gian từ cây dành dành thường dùng để chữa bệnh
- Viêm gan nhiễm trùng vàng da, dùng Chi tử 9g, Nhân trần 18g, Đại hoàng 6g sắc với 300ml nước cô lại còn 200ml, uống trong ngày.
- Viêm kết mạc mắt, mắt đỏ sưng đau, dùng Chi tử, lá Trắc bá mỗi vị 9g, Sinh địa, rể Cỏ tranh mỗi vị 15g, sắc nước uống.
- Thổ huyết, chảy máu cam, đái ra máu, dùng Chi tử, lá Trắc bá mỗi vị 9g, Sinh địa, rễ Cỏ tranh mỗi vị 15g, sắc nước uống. Trong trường hợp tiểu ngắn, tiểu buốt, dùng Chi tử, Mộc thông, Hoạt thạch, mỗi thứ 8g, sắc chung lấy nước uống.
- Phụ nữ kinh nguyệt không đều, huyết nhiệt, có thể dùng Chi tử 12g, Sinh địa 10g, Bạch thược 8g, sắc chung lấy khoảng 300 ml nước sắc chia uống 2-3 lẩn trong ngày, uống trong một tuần thì ngưng, kinh nguyệt sẽ đều trở lại.
- Người thể trạng huyết áp tăng cao gây đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, sườn đau tức, lấy Chi tử 12g, phối hợp Đơn bì 12g, Sài hồ 8g, sắc uống trong ngày thay nước thường.
- Trong trường hợp tiểu ngắn, tiểu buốt, gồm Chi tử, Mộc thông, Hoạt thạch, mỗi thứ 8g, sắc chung lấy nước uống, nếu đi tiểu tiện có máu thì có thể gia thêm Sinh địa, Trắc bá diệp, mỗi loại 6g, sắc chung.
Nước chiết từ hạt có màu vàng cam đẹp, có thể dùng chế biến các món ăn như xôi, thạch, hoặc làm bánh… Tuy nhiên cần chú ý người suy nhược, tỳ vị hư hàn, ăn chậm tiêu, tiêu chảy, không nên dùng.
DS Lê Kim Phụng-t4ghcm.org.vn
Vị thuốc từ cây dành dành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét