Đôi khi mua nhiều rau quả về nhưng bạn lại chưa cần ăn tới chúng đến hoặc rau quả quá nhiều khiến bạn ăn không hết. Những mẹo nhỏ sau sẽ giúp bạn biết cách bảo quản để chúng được tươi lâu.
Những mẹo nhỏ dưới đây sẽ rất hữu ích để giúp bạn có thể dự trữ được các loại trái cây và rau xanh được tươi lâu hơn trong một khoảng thời gian dài mà không cần tới bất kì loại hóa chất nào:
1. Hãy là người nội trợ thông minh
Dự tính trước thực đơn sẽ dùng trong tuần giúp bạn dễ dàng hơn trong việc chọn lựa những sản phẩm có chất lượng tốt. Không lên kế hoạch trước làm bạn mua cả những thực phẩm không thật sự cần thiết gây ra tình trạng thừa thực phẩm nhất là các loại rau quả bởi rau quả dễ hư hỏng, khó bảo quản được lâu. Chỉ nên chọn những loại rau, củ, quả vừa chín tới hoặc sẽ chín trong một vài ngày, thậm chí là trong tuần tới. Những loại củ, quả có vỏ màu xanh hoặc vàng nhạt sẽ có thời gian sử dụng lâu hơn so với những thứ đã chín, có vỏ màu vàng đậm hoặc đỏ đậm. Đối với những loại rau hoặc trái cây như bơ, lê, mơ, đào, mận, xoài, dưa lưới và kiwi… chỉ chọn những trái vừa chín, vẫn còn hơi cứng, không có vết thâm, không bị giập hoặc quá mềm.
Nên chọn quả cẩn thận vì nếu quả không ngon thì dù kỹ thuật bảo quản có chuẩn đến đâu cũng không giữ được thơm ngon trong thời gian dài. Với từng loại quả, bạn phải có cách chọn riêng nhưng vẫn dựa trên nguyên tắc chung:
- Quả phải tươi ngon, không sây sát. Có thể kiểm tra bằng cách cấu vào cuống và ngửi. Nếu cuống có mùi thơm, có tinh dầu nghĩa là quả tươi và ít chất bảo quản.
- Quả chín vàng và cầm chắc tay vì nó nằm dưới gốc nên ngon, ngọt hơn. Nếu xanh và nắn mềm tay thì đó là quả non.
Cuối cùng, khi lên kế hoạch cho các bữa ăn trong tuần, hãy ăn những loại rau dễ bị hỏng trước như súp lơ, ngô, nấm và măng tây. Tiếp đến là dưa chuột, bí, các loại ớt. Cà rốt, hành và củ cải đỏ có thể để được lâu nhất.
2. Một số loại rau quả không nên để cạnh nhau
Có một số loại rau quả bạn không nên để gần nhau, cho dù là trong tủ lạnh. Lý do là chất khí ethylene có trong hoa quả có thể làm chúng chín nhanh hơn và có những loại rau quả khác lại đặc biệt nhạy cảm với chất này. Chúng sản xuất và giải phóng vào khí quyển khí ethylene, thúc đẩy quá trình chín ở những loại hoa quả khác. Nên khi bạn đặt những loại hoa quả sản xuất ra nhiều ethylene cạnh các loại hoa quả hấp thụ nhiều chất này trong tủ lạnh hoặc trong túi kín thì quá trình hoa quả chín sẽ nhanh hơn so với mong đợi của bạn. Đặc biệt, khí ethylene sinh ra trong những thùng chứa lưu trữ và vận chuyển mà không kịp xử lí sẽ dẫn đến hư hỏng và thiệt hại tài chính.
3. Để rau quả tươi lâu trong tủ lạnh
Khi được để trong tủ lạnh, rau quả sẽ rơi vào tình trạng hôn mê vì chúng vẫn là những cơ thể sống đang “thở”. Nhiệt độ lạnh sẽ hạn chế quá trình hô hấp của rau quả và giữ chúng tươi lâu hơn. Hầu hết tủ lạnh nên đặt ở 2 đến 3 độ C để giữ thực phẩm tươi mà không bị đông lạnh. Bởi vì vi khuẩn thường phát triển mạnh khi rau quả được bảo quản ở nhiệt độ trên 40°F, làm hư hỏng các loại thực phẩm. Nếu nhiệt độ quá thấp thì rau quả lại có thể đóng băng.
Những loại trái cây mềm sẽ không thể để lâu trong môi trường có độ ẩm cao. Do đó, nên bảo quản những trái cây mềm như dâu… trong túi giấy và cho chúng vào các hộp nhựa đựng thực phẩm đậy kín rồi trữ ở ngăn mát của tủ lạnh. Túi giấy sẽ hấp thu hết chất ẩm dư thừa, giúp trái cây tươi lâu hơn.
Khi bọc rau quả vào túi nylon bạn cũng nên tránh làm chúng “chết ngạt” vì thiếu không khí.Thay vào đó, bạn hãy chọc một vài lỗ trên túi đựng. Hãy để nấm trong các túi giấy vì chúng sẽ hỏng nhanh hơn khi bị để trong túi nylon. Đừng bao giờ giật bỏ cuống hoặc vỏ vì việc này gây ra sự thay đổi của các tế bào bên trong rau quả. Độ ẩm cũng là nguyên nhân khiến rau quả hỏng nhanh, vì thế bạn không nên rửa hoặc có thể rửa qua nhưng phải để thật khô trước khi cất trong tủ lạnh.
Thông thường, rau xanh sẽ tươi khi được bảo quản trong môi trường có độ ẩm như ngăn bảo quản rau trong tủ lạnh. Đối với bông cải xanh, nên dùng khăn giấy bọc kín lại để hút bớt chất ẩm và cho chúng vào túi nhựa kín miệng. Đối với rau diếp, sau khi đã được rửa sạch, cần để khô và cho chúng vào túi đựng rau quả chuyên dụng để giữ được độ tươi và có thể dùng ngay khi cần. Cho thêm một ít khăn giấy vào túi nhựa cũng sẽ giúp hạn chế lượng chất ẩm có thể làm rau bị thối, hỏng hay mất độ giòn.
Luôn để rau xanh và trái cây ở vị trí dễ nhìn thấy trong tủ lạnh. Điều này giúp bạn kiểm soát được lượng rau, củ, quả mà mình đang có và sử dụng chúng ngay khi cần thiết. Lau dọn tủ lạnh, tủ ly thường xuyên là một thói quen tốt việc này sẽ giúp tạo môi trường thuận lợi cho rau củ.
4. Những cách bảo quản rau quả thông minh khác
ThS Phan Thanh Tâm, Bộ môn Công nghệ Thực phẩm sau thu hoạch, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, người ta còn có thể bảo quản bưởi bằng cách bôi vôi vào chỗ đầu cuống của quả bưởi, hoặc vùi cam, bưởi xuống cát cũng có thể bảo quản được tươi trong vài tháng. Bảo quản lạnh từ lâu cũng được coi là một trong các phương pháp bảo quản an toàn cho quả. Khi đó cần phải có bao bì đặc dụng cho từng loại quả khác nhau, đảm bảo trong quá trình đó quả vẫn được hô hấp trao đổi không khí. Hoặc có thể sục khí ozon để diệt hết vi khuẩn có trên vỏ quả, hạn chế quá trình thối rữa…
Nông dân vùng trồng vú sữa Châu Thành (Tiền Giang) đã sáng kiến ra dùng lá lục bình tươi để làm mát trái vú sữa, vừa giữ được độ ẩm và giúp trái không bị giập, trầy xước, bảo quản được khi vận chuyển đi xa. Dùng lá lục bình tươi gói từng quả vú sữa lại rồi chất chồng lên cho vào thùng xốp (loại thùng ướp nước đá). Cách làm như vậy có thể vận chuyển từ 10 – 14 ngày quả vẫn tươi xanh, trong khi vú sữa không sử dụng lá lục bình chỉ có thể để được 3 – 4 ngày.
Tỏi là một loại củ giúp người nông dân giữ cho quả bưởi tươi lâu. Sau khi thu hoạch có thể giữ cho quả bưởi tươi (màu, lá trên cuống, chậm rụng cuống…) trong khoảng 2 tháng bằng cách dùng tỏi tươi nghiền nhuyễn hòa với nước, phun xịt lên trái bưởi cho ướt đều. Khoai tây, hành, bí và tỏi không nên cho vào tủ lạnh. Bạn nên để chúng ở nơi tối và mát mẻ như kho hoặc tủ bếp, đặc biệt là khoai tây vì chúng sẽ chuyển sang màu xanh khi tiếp xúc với ánh sáng. Với các loại quả tươi, có thể phun lên vỏ ngoài của nó một dung dịch hỗn hợp từ tinh bột, lòng trắng trứng gà, mỡ động vật. Dịch thể hỗn hợp này sau khi khô sẽ tạo thành một lớp màng bọc ngoài cho hoa quả. Lớp màng đó sẽ hạn chế quá trình “hô hấp” của hoa quả làm tăng “tuổi thọ” cho nó.
Dùng máy hút chân không cũng là một phương pháp bảo quản rau củ hiệu quả. Hút ép chân không là cách bảo quản thông qua con đường hút hết không khí trong bao bì đựng thực phẩm để vi khuẩn các loại không thể sinh sôi làm hư hỏng, giảm chất lượng. Cách bảo quản thực phẩm này hiện là phương thức phổ biến, được nhiều nhà sản xuất, chế biến thực phẩm lựa chọn vì các ưu điểm như đơn giản, nhanh chóng, tiết kiệm nhưng lại giúp thực phẩm luôn tươi mới, bảo toàn chất dinh dưỡng và có thể tồn trữ lâu ngày.
Kim Anh sưu tầm và tổng hợp-webphunu.net
Mẹo giữ rau quả tươi lâu mà không cần tới hóa chất
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét