Quảng Cáo

Thứ Hai, 3 tháng 2, 2014

Bàn về tứ khí và ngũ vị của Đông y

Tứ khí là những tính chất khác nhau của dược liệu như: Hàn, nhiệt, ôn, lương. Nhưng đối với bệnh tật thì chỉ có chứng hàn và chứng nhiệt. Muốn điều trị được chứng hàn, thì vị thuốc đó phải có đầy đủ tính ôn và tính nhiệt. Bởi vì “hàn” có nghĩa là lạnh, nhưng tính dược lương lại là mát, giữa mát và lạnh mức độ có khác nhau cho nên khi dùng thuốc cũng phải tùy theo mức độ của bệnh tật, vị thuốc có tính dược cay nóng, hay chỉ dùng vị thuốc có tính dược ở mức độ ôn. So với mức độ cay và nóng thì nhẹ hơn nhiều.


Ảnh minh họa Ảnh minh họa


Khi nói vị thuốc có thể điều trị được chứng nhiệt có nghĩa là vị thuốc đó có đầy đủ tính hàn và tính lương. Đối với bệnh tật cũng chia ra làm hai dạng sốt nóng và nóng, mức độ khác nhau. Nếu chứng là đại ôn (cực nóng) thì phải dùng thuốc hàn để hạ nhiệt, nhưng khi bệnh chỉ ở mức độ ôn (nóng) thì chỉ nên dùng thuốc lương là có thể điều trị được. Đó là những nguyên tắc chung. Nhưng khi vận dụng vào cụ thể thì ngoài chứng bệnh còn căn cứ vào thể trạng của bệnh nhân mà quyết định dùng thuốc. Lại còn có vị thuốc không ôn, không nhiệt, không hàn, không lương mà tính bình. Đối với những vị thuốc như vậy, ngoài dùng để bổ dưỡng khi điều trị cần hết sức cân nhắc. Theo sách “Nội kinh tố vấn”: “Người bị chứng hàn thì dùng thuốc nhiệt, người bị chứng nhiệt thì dùng thuốc hàn, đó là nguyên tắc chữa bệnh của Đông y. Do đó người thầy thuốc phải nắm vững nguyên tắc hàn, nhiệt, ôn, lương, bình của từng dược liệu để vận dụng vào việc phòng bệnh và chữa bệnh. Khi bệnh chứng ở kinh dương minh xuất hiện chứng nóng (sốt cao) thì phương pháp điều trị phải dùng thuốc hàn lương như thạch cao, tri mẫu để tả hỏa, thanh nhiệt, nếu dùng nhầm sang thuốc ôn nhiệt, thì làm cho hỏa càng bốc lên, bệnh nhân đã tổn hao chân khí, khô kiệt tân dịch, do sự nhầm lẫn đó của thầy thuốc, càng làm cho bệnh nhân sức khỏe kiệt quệ dẫn đến tử vong. Hay khi bệnh thuộc kinh thiếu âm xuất hiện chứng âm hàn, tay chân quyết nghịch, sắc mặt trắng nhợt, mạch vi tế nhược, khi điều trị người thầy thuốc phải dùng thuốc ôn nhiệt như: Phụ tử, nhục quế, can khương để trợ dương, khu hàn. Nếu dùng nhầm thuốc hàn lương thì bệnh nhân trở nên bại chứng mà tử vong”.


 Ngũ vị: Là chua, cay, mặn, ngọt, đắng nhưng đối với dược liệu còn có vị đạm. Khi muốn biết được vị thì phải nếm, căn cứ vào vị giác để phân biệt, trong quá trình thực tiễn các thầy thuốc Đông y đã phát hiện thấy giữa mùi vị và tác dụng của vị thuốc có sự liên hệ chặt chẽ với nhau như một quy luật. Sách “Nội kinh tố vấn” viết: “Cay thì tán, chua thì thu, ngọt thì hoãn, đắng thì rắn, mặn thì mềm”. Có nghĩa cay thì làm cho bệnh chứng tân tán, chua thì có tác dụng thu liễm, ngọt thì làm cho hòa hoãn, đắng làm cho rắn chắc lại, mặn làm cho mềm ra. Ngô Nghi Lạc đời Thanh đã viết trong cuốn “Bản thảo tòng tâm” như sau: “ Những vị thuốc chua thì hay sáp hay thu. Vị đắng thì hay tả, hay táo, hay kiên. Vị ngọt thì hay bổ, hay hòa, hay hoãn. Vị cay thì hay tán, hay nhuận, hay đi lung tung. Vị mặn thì hay đi xuống, hay làm mềm vật rắn. Vị nhạt thì lợi khiếu, hay thấm, hay tiết”.


Ngũ vị cũng đóng vai trò quan trọng trong vận dụng dược liệu vào lâm sàng như: Vị cay thì hay tán cho nên vị cay phù hợp với thời kì đầu của chứng ngoại cảm để phát tán chứng phong hàn hoặc phong nhiệt. Thuốc có vị đắng thì hay tả, phù hợp với chứng thực nhiệt, để tả hỏa thanh nhiệt. Thuốc có vị chua thì thích hợp với sự thu liễm dùng để điều trị các chứng ra mồ hôi trộm, di tinh, ỉa chảy kéo dài… Thuốc có vị mặn thì nhuyễn kiên, thích hợp với điều trị các chứng táo bón, đờm đặc, tràng nhạc. Thuốc có vị ngọt thì hòa hoãn, bổ dưỡng thích hợp với chứng hư nhược. Thuốc có vị nhạt thì dễ thấm, hay tiết thích hợp điều trị các chứng thủy thấp. Trong ngũ vị cũng có hương phụ thì tân hơi khổ, cam, vị nhục quế thì tân cam, vị huyền sâm thì khổ hàm. Các vị thuốc có kiêm vị thì trong khi sử dụng điều trị sự tác dụng của nó đôi lúc cũng phức tạp nên thầy thuốc phải hết sức cân nhắc.


Quan hệ mật thiết giữa ngũ vị với phủ tạng trở thành quy luật như: Thuốc có vị toan chữa bệnh ở can, thuốc có vị tân chữa bệnh ở phế, thuốc có vị đắng chữa bệnh ở tâm, thuốc có vị hàm chữa bệnh ở thận, thuốc có vị cam chữa bệnh ở tì vị. Việc sao tẩm thuốc trong Đông y cũng có tác dụng quan trọng trong điều trị. Khi muốn thuốc đi vào can phải sao với giấm. Để thuốc có tác dụng chữa bệnh ở thận thì phải sao với nước muối. Thuốc để điều trị bệnh mạn tính, hư nhược thì phải sao với mật hoặc làm thuốc bằng viên mật. Sách “Nội kinh tố vấn” chia ngũ vị thành hai loại là âm và dương “Tân cam phát tán là dương, vị đạm hay thấm, hay tiết là dương. Vị toan khổ hàm cho thổ, cho tả là âm”.

Sau khi biện chứng theo bát cương, cần phải căn cứ vào tính vị của thuốc để lựa chọn chính xác cách điều trị. Trước hết phải hiểu sâu tính vị của thuốc, sau đó mới áp dụng vào điều trị. Bệnh thuộc chứng hàn hay chứng nhiệt, thực chứng hay hư chứng, âm chứng hay dương chứng ở tạng phủ nào? Đó là nguyên lí của việc vận dụng tứ khí ngũ vị trong điều trị của Đông y


TTND, BS cao cấp Nguyễn Xuân Hướng-nguoicaotuoi.org.vn



Bàn về tứ khí và ngũ vị của Đông y

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét