Quảng Cáo

Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Nhà vườn vất vả vì những qui định

Một số doanh nghiệp xuất khẩu cây cảnh đang vướng phải những quy định chưa hợp lý trong Quy chế quản lý cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ do Chính phủ ban hành, dẫn tới không xuất khẩu được hàng.


 1. Cây cảnh cần “chứng minh thư”


 Bà Nguyễn Thị Hoàng – Giám đốc Trung tâm Bonsai Thanh Tâm (phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM) cho biết, đơn vị này vừa ngậm ngùi hủy hợp đồng với các đối tác tại thị trường Thái Lan, Singapore và Malaysia vì không thể thông quan. Sau nhiều tháng chuẩn bị, đặt cọc, gom hàng…, cuối năm 2013, 4 container hàng gồm các loại cây cảnh như khế, mai vàng, mai chiếu thủy xuất khẩu của bà Hoàng đã bị ách lại tại cảng Cát Lái.


Cây cảnh chăm sóc tại vườn Thanh tâm Cây cảnh chăm sóc tại vườn Thanh tâm


Theo đó, khi đưa hàng đến làm thủ tục xuất khẩu tại cảng Cát Lái, cơ quan hải quan yêu cầu bà Hoàng phải cung cấp giấy chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ, tuổi cây, quy cách và kích thước cây theo quy chế trên. Lo trễ hẹn với khách hàng, bà tất tả chạy về phường Tân Thới Nhất (quận 12) để xin chứng nhận cho cây. Tại đây, các cán bộ UBND phường chỉ cấp cho bà Hoàng giấy chứng nhận doanh nghiệp nằm trên địa bàn, có giấy phép kinh doanh và thực hiện đầy đủ việc đóng thuế.


 Tuy nhiên, việc xác nhận nguồn gốc, tuổi và đo quy cách cây, UBND phường không thực hiện được, vì không phải chuyên môn. Bà Hoàng chia sẻ, cây cảnh của Bonsai Thanh Tâm có nguồn từ thu mua của nhiều nông dân, nghệ nhân tại TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL. Ngoài ra, do là một trung tâm đào tạo nghề trồng cây cảnh, các sản phẩm của học viên cũng được Thanh Tâm thu mua lại để xuất khẩu. Các sản phẩm cây cảnh khi hoàn thiện để xuất khẩu đã phải qua rất nhiều trung gian trồng, chăm sóc, doanh nghiệp không thể nắm chính xác từng giai đoạn.


 Bà Hoàng phải về các tỉnh, nơi đã thu mua bonsai, cây cảnh để xin giấy chứng nhận. Tuy nhiên, bà vẫn chỉ nhận được câu trả lời tương tự như tại UBND phường Tân Thới Nhất, đành thuê người chở hàng trở về cơ sở để chăm sóc tiếp. “Để trồng được một thế bonsai, nhà vườn phải tốn ít nhất từ 5 – 10 năm, làm sao có thể nói là cây do khai thác ở rừng tự nhiên? Hơn nữa, mỗi đơn hàng xuất khẩu doanh nghiệp ký được là cả làng cây cảnh cùng vui, vậy mà giờ phải hoãn lại hết!” – bà Hoàng mếu máo.


 2. Quy định chưa hợp lý


 Nói về những bức xúc của nhiều doanh nghiệp, nông dân trồng và kinh doanh cây cảnh, ông Nguyễn Văn Lãng – nguyên Phó Chủ tịch Hội Sinh vật TP.HCM cho rằng, những quy định chưa hợp lý trên đang “bóp chết” người trồng bonsai, cây cảnh vì không xuất khẩu được. Theo ông Lãng, những quy định trong Quy chế quản lý cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ nhằm hạn chế tình trạng khai thác cây rừng bừa bãi, làm xói mòn, sạt lở tại các địa phương. Tuy nhiên, khi quy định này được áp dụng với doanh nghiệp chuyên trồng và kinh doanh cây cảnh thì lại chưa hợp lý.


 Hơn nữa, quy chế có từ cuối năm 2012 nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn thực hiện, UBND cấp xã, phường cũng như các cơ quan kiểm lâm địa phương đều “lắc đầu” trước yêu cầu cấp giấy chứng nhận cho cây cảnh khiến doanh nghiệp phải hủy nhiều hợp đồng.


 Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hoàng cho biết, với 4 container hàng trị giá khoảng 60.000USD không xuất khẩu được, phải mang trở về, Bonsai Thanh Tâm bị thiệt hại khoảng 30.000USD.


 Ông Võ Văn Cương – Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TP.HCM cũng cho rằng, là sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, bonsai, cây cảnh đang được nhiều địa phương, đặc biệt là các quận, huyện ngoại thành TP.HCM khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, thời gian qua, một số doanh nghiệp phản ánh lên Hội về việc không thể xuất khẩu bonsai. “Hội chưa biết phải hỗ trợ xử lý, giải quyết vấn đề cho hội viên như thế nào!”- ông Cương nói.


 


Nguồn : Tintucnongnghiep.com



Nhà vườn vất vả vì những qui định

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét