Những trái ớt quả dài đến cả gang tay lúc lỉu trĩu cành; những củ cải trắng muốt to ngang bắp chân người lớn; những luống bắp cải thảo khổng lồ như cái nồi cơm điện xếp thanh hàng thẳng tắp… đã làm “mãn nhãn” những người tham quan mô hình SX rau Hàn Quốc tại huyện Yên Thuỷ, Hoà Bình.
Năng suất
Hội thảo đánh giá dự án hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc “Xây dựng mô hình SX rau” tại huyện Yên Thuỷ, tỉnh Hoà Bình vừa tổ chức đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học, các doanh nghiệp SXKD rau sạch. Bởi, đây là một trong số ít những mô hình mà người nông dân được thực hành quy trình kỹ thuật SX rau hiện đại và hiệu quả, với sự hướng dẫn trực tiếp của các chuyên gia Hàn Quốc và Việt Nam.
Mô hình SX rau sạch được thực hiện trên diện tích 1 ha, bởi tổ SX gồm 15 hộ dân thôn Chóng, xã Yên Lạc, huyện Yên Thuỷ. Các loại giống rau, củ, quả được lựa chọn để trồng thực nghiệm trong vụ đông gồm ớt, cải thảo, cải củ, hành và khoai tây xuất xứ từ Hàn Quốc. Đối chứng với các giống rau trồng phổ biến tại Việt Nam, kết quả đánh giá bước đầu cho thấy, những chỉ số về chất lượng, năng suất và khả năng chống chịu sâu bệnh của các giống rau Hàn Quốc có ưu thế vượt trội hơn hẳn so với các giống rau nội.
Đối với cây cải thảo, so sánh hình thể bắp gieo từ giống cải của Hàn Quốc và Việt Nam đã thấy rõ sự chênh lệch rất lớn. Có người ví hình ảnh đó giống như gã khổng lồ đứng cạnh người tí hon. Với cùng một điều kiện chăm sóc như nhau, trọng lượng trung bình một cây cải thảo Summukking của Hàn Quốc đạt khoảng 2,2 – 2,5 kg, trong khi cải thảo RS-303 của Việt Nam chỉ đạt từ 1,0 – 1,2 kg.
Vụ đông vừa qua, những luống cải thảo Việt Nam bị bọ nhảy hại lá, thì giống rau của Hàn Quốc vẫn giữ nguyên được bộ lá, sinh trưởng và phát triển tốt. Theo hạch toán kinh tế của chuyên gia Viện Nghiên cứu Rau quả, 1 ha cải thảo Hàn Quốc trồng tại huyện Yên Thuỷ đạt năng suất khoảng 53 tấn. Nếu tính giá bán 5.000 đồng/kg cải thảo, nông dân có thu nhập từ khoảng 265 triệu đồng.
Giống ớt Chilli-11của Hàn Quốc cũng thể hiện được khả năng sinh trưởng và phát triển ấn tượng trên đồng đất Hoà Bình. Mặc dù vụ đông vừa qua, số ngày lạnh kéo dài nhưng số quả/cây trung bình đạt 45 – 50 quả, độ dài của quả đạt 12,8 cm, rất bắt mắt.
Hiện tại, giống cải củ Song Jeong của Hàn Quốc cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị cho thu hoạch. Nếu trọng lượng củ cải TN-45 đang trồng phổ biến tại Hoà Bình chỉ đạt 500 – 700 gram thì trọng lượng một củ cải Song Jeong có thể nặng khoảng 1,5 – 1,7 kg. Với nhu cầu chủ yếu sử dụng củ cải để làm kim chi và một số món ăn, chất lượng củ cải của Hàn Quốc rất ngon. Năng suất 1 ha củ cải Hàn Quốc đạt 556 tạ/ha, với giá bán 4.000 đồng/kg, nông dân thu nhập 227,7 triệu đồng.
Tại cánh đồng thôn Chóng, chúng tôi cũng được mãn nhãn với giống hành lá Huk Keum Jang. Theo đại diện Phòng Nông nghiệp huyện Yên Thuỷ, trọng lượng trung bình mỗi cây hành giống Hàn Quốc đạt 120 – 150 gram.
Như vậy, tiềm năng năng suất là rất lớn. Mặt khác, giống hành đăm, hành lá của Việt Nam, bà con thường không trồng vào vụ đông vì cây hành rất nhanh ra hoa. Nhưng giống hành của Hàn Quốc lại rất thích hợp trong điều kiện khí hậu lạnh, có thể đưa vào các chân đất 2 lúa để phát triển cánh đồng 3 vụ.
Cần gắn chặt SX với tiêu thụ
Tiềm năng phát triển SX rau Hàn Quốc trên đất Hoà Bình đã rõ ràng, nhưng theo bà Bùi Thị Kim Cúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thuỷ: Thị trường tiêu thụ của sản phẩm rau sạch của mô hình không ổn định, bà con vẫn phải tự tiêu. Do đó, mục tiêu của dự án là chọn những loại cây phù hợp nhất với đồng đất Yên Thuỷ và gắn hoạt động SX của nông dân với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Hiện tại Sở NN-PTNT Hoà Bình cũng đang nỗ lực đàm phán để đưa sản phẩm rau sạch của tỉnh lên sàn giao dịch rau quả của Hà Nội.
Ông Hoàng Văn Tứ, Giám đốc Sở NN-PTNT Hoà Bình cho biết: Mô hình hợp tác SX rau Việt Nam – Hàn Quốc bước đầu ghi nhận sự thành công. Tiềm năng đất đai của Hoà Bình có thể SX hàng ngàn ha, chỉ lo đầu ra không ổn định. Sở đã đề xuất với UBND tỉnh tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp trong và ngoài nước SX, chế biến, tiêu thụ nông sản cho nông dân. Chúng tôi sẵn sàng quy hoạch đất để doanh nghiệp nước ngoài đầu tư xây dựng nhà máy. Ông Tứ cũng lưu ý: Chúng ta trồng rau theo nhóm hộ nhỏ lẻ, nhưng phải SX đảm bảo ATVSTP mới phát triển bền vững.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Như Hải, Trưởng phòng Cây thực phẩm, Cục Trồng trọt cho rằng: Đây là một mô hình nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn trong khâu tổ chức SX, mở ra một hướng phát triển nông nghiệp mới cho bà con nông dân. Chúng ta đã có sản phẩm tốt, nhưng khi SX ở quy mô hàng hoá cần cân nhắc thật kỹ lưỡng. Vì sản phẩm nông nghiệp Việt Nam thường được mùa thì rớt giá. Do đó, phải lôi cuốn doanh nghiệp vào cuộc, xây dựng chuỗi liên kết từ SX đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Viện Nghiên cứu Rau quả phải tăng cường công tác tập huấn kỹ thuật cho bà con nông dân.
Ông Han Gi Cheol, Phó TGĐ Cty CP Dong Nong chia sẻ: Chúng tôi đang đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản tại Quảng Ninh và phát triển một số vùng rau nguyên liệu tại một số tỉnh với tổng mức đầu tư là 180 tỷ đồng. Tôi hiểu rằng Việt Nam rất quan tâm đến cơ hội xuất khẩu nông sản sang Hàn Quốc. Theo thống kê năm 2012 của Cục Hải quan Hàn Quốc, lượng hành lá khô và hành lá đông lạnh nhập khẩu vào thị trường Hàn Quốc đạt 65.000 tấn; ớt đỏ đông lạnh nhập khẩu vào thị trường đạt 190.000 tấn; khoai lang đông lạnh là 60.000 tấn; ngô nếp đông lạnh là 30.000 tấn…
Về thuế nhập khẩu, chúng tôi nhận thấy nông sản tươi chịu mức thuế nhập khẩu trên 300%, trong khi nông sản chế biến được áp dụng mức thuế nhập khẩu từ 0% – 35%. Như vậy, để nông sản Việt Nam vào được thị trường Hàn Quốc thì phải xây dựng nhà máy chế biến theo tiêu chuẩn quốc tế. Do vậy, chúng tôi nhận thấy có đủ các yếu tố cần thiết để bắt đầu kinh doanh trong ngày này, và công việc cần làm chỉ là trồng rau Hàn Quốc để xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Tạo, PGĐ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nhận định: Vụ đầu tiên, tôi thấy rau Hàn Quốc phát triển tốt ở Hoà Bình, nhưng chúng ta chưa có kết luận chính xác giống nào sinh trưởng và phát triển tốt. Những năm tới phải tiếp tục đánh giá tính thích ứng của 5 giống, xem giống nào tốt, chất lượng thì mới đưa vào SX đại trà. Mùa đông ở Hàn Quốc tuyết thường phủ trắng, do đó khả năng xuất khẩu sang thị trường này rất lớn, quan trọng là doanh nghiệp phải vào cuộc và sản phẩm nông sản của Việt Nam phải đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế.
Theo NNVN
Mô hình sản xuất rau Hàn quốc trên đất Việt