Quảng Cáo

Thứ Tư, 8 tháng 1, 2014

Dâu tây công nghệ cao

Dâu tây là trái cây đặc sản của TP Đà Lạt (Lâm Đồng) hiệu quả kinh tế rất cao. Trước đây, nông dân thường trồng dâu thành từng luống dưới đất, cây dễ bị nấm bệnh và côn trùng phá hoại. Những năm gần đây, nhiều hộ nông đã mạnh dạn đầu tư nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới tự động để SX theo hướng công nghệ cao.


 Anh Nguyễn Thanh Trung ở số 35, Hồ Xuân Hương, phường 9, TP Đà Lạt là một điển hình, chuyển đổi từ trồng dâu tây truyền thống sang trồng công nghệ không cần đất. Sản phẩm không chỉ cung cấp cho thị trường cao cấp, mà vườn dâu của anh còn là điểm du lịch hấp dẫn, luôn chào đón khách nước ngoài tới tham quan, thưởng thức dâu tươi cũng như tìm hiểu những công việc của người trồng dâu.


Trao đổi với chúng tôi, bà Khúc Thị Lương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường 9, TP Đà Lạt cho biết: “Anh Nguyễn Thanh Trung là người dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới nhỏ giọt. Đi tiên phong trồng dâu trên giá thể (trồng không cần đất) ứng dụng công nghệ sinh học, không lạm dụng phân hóa học, thuốc BVTV; biết kết hợp giữa SX dâu sạch và du lịch, thay đổi cách suy nghĩ, cách làm mới, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao”.


Anh Nguyễn Thanh Trung, chủ vườn dâu công nghệ cao cho biết: “Trước đây tôi làm nghề cơ khí chế tạo máy tại TP.HCM. Sau một chuyến về thăm quê được nghe và chứng kiến người dân trồng dâu tây Đà Lạt không hiểu tại sao bị chết gần hết và có nguy cơ xóa sổ. Thấy vậy tôi quyết định không xuống TP.HCM nữa mà ở lại liều một phen với dâu tây”.


Khi đó, những vườn dâu tây Đà Lạt thường xuyên bị nấm bệnh và các loại tuyến trùng phá hoại trên diện rộng. Cây đang xanh tốt, đến thời kỳ cho trái đột nhiên chuyển sang màu vàng và chết dần mà không có cách nào chữa trị. Người trồng hoang mang, chán nản bắt đầu phá bỏ dâu, chuyển qua canh tác các loại rau hoa khác.


Trồng dâu tây trên dàn-Ảnh minh họa Trồng dâu tây trên dàn-Ảnh minh họa


Sau khi mày mò trên các trang mạng chuyên về trồng và chăm sóc dâu tây của các nước Mỹ, Nhật, New Zealand…, anh thấy họ có những mô hình trồng dâu thủy canh trên giàn rất hay, hiệu quả kinh tế cao. Anh cứ suy nghĩ tại sao họ trồng được, mình lại không trồng được? Tình cờ có người mách ở Đà Lạt đang có một mô hình trồng dâu thủy canh, anh Trung tìm đến xin vào xem nhưng bị chủ vườn từ chối thẳng thừng.


Một chút tự ái và lòng quyết tâm đã thôi thúc anh phải học bằng được cách trồng mới. Anh về xin gia đình một diện tích nhà kính đang trồng hoa cúc, làm giàn trồng dâu theo mô hình trồng trên giá thể.


Khi vừa nói ra ý tưởng, anh bị gia đình phản đối kịch liệt và cho rằng “bị khùng” vì người ta đang phá bỏ gần hết, mình lại chọn trồng dâu tây, trong giai đoạn dịch bệnh không thể kiểm soát được. Nhưng nhờ quyết tâm, cuối cùng anh đã thuyết phục được gia đình đưa 450 m2 làm nhà kính, trồng dâu tây.


Lúc mới trồng thử nghiệm dâu New Zealand trên giá thể mụn dừa (chỉ có xơ dừa nghiền nhỏ), do thiếu kinh nghiệm, không có kỹ thuật, cây trồng được vài tháng mắc bệnh và chết hết. Anh Trung tiếp tục mua giống trồng lại lần thứ hai, dâu trồng được 2 tháng đã xanh um, phủ kín hết mặt giàn, tưởng đã thành công nào ngờ vừa sang tháng thứ 3, dâu bị chết sạch.


Bao nhiêu vốn liếng, công sức bỗng biến thành mây khói. Nhiều người đi ngang qua thấy vậy lắc đầu thương hại. Ai nói ngược nói xuôi mặc ai, anh quyết theo tới cùng.


Sau nhiều ngày đêm mất ăn, mất ngủ, cuối cùng anh Trung cũng xác định được nguyên nhân dâu bị chết: Thứ nhất, do giống chưa tốt; thứ hai, do giá thể (dùng mụn dừa không) khi mới trồng thì tốt, sau một thời gian, mụn dừa bị mục không thoát nước được, dẫn tới dâu bị chết.


Sang lần thứ ba, song song với việc cải tiến lại chất giá thể (mụn dừa trộn với trấu), anh sưu tầm dâu trái đầu dòng từ một trang trại dâu New Zealand giống chuẩn, đẹp nhất, mang về sàng lọc lấy những hạt dâu có chất lượng tốt nhất, cho hạt ngủ đông trong tủ lạnh 2 tháng ròng.


Rồi lấy hạt dâu gieo xuống những vỉ nhỏ trong điều kiện bảo quản tốt nhất. Sau khi gieo hàng trăm hạt mới được khoảng 10 cây dâu mọc khỏe mạnh, anh đem nuôi cấy mô để nhân giống đại trà. Từ một vài cây dâu ban đầu, hiện anh Trung đã trồng kín 2.000 m2 đất trong nhà kính.


Anh Trung chia sẻ kinh nghiệm: Trước đây dâu trồng ở dưới đất, bây giờ được trồng trên giàn, có máng để chứa giá thể, cách mặt đất khoảng 1-1,2m. Dâu được trồng thành hàng với khoảng cách 10 cm/cây, một máng trồng hai hàng. Giá thể được trộn từ trấu và mụn dừa, giữa hai luống dâu đặt một hệ thống dây tưới nhỏ giọt, trên mặt máng phủ màng nilon để tránh mất nước đồng thời hạn chế bệnh.


Dưới đất, thay vì để trống, anh trồng những luống bắp cải xanh mướt, kết hợp trồng như vậy có rất nhiều lợi ích: Thứ nhất, trồng bắp cải hạn chế cỏ dại, lượng nước thừa từ máng dâu chảy xuống, được cải hấp thụ hết nên đất khô, vườn sạch. Thứ hai, trồng bắp cải giúp đất mát khiến nhện, côn trùng phá hoại chính của cây dâu không có nơi sinh trưởng. Thứ ba, bắp cải không phải chăm bón nhưng cũng có thêm một khoản thu nhập.


Điều khác biệt với các vườn dâu ở Đà Lạt là anh Trung thay giống mới liên tục, một chu kỳ khai thác trái khoảng 10 tháng là phải thay giống ngay. Làm như vậy cây dâu luôn luôn khỏe mạnh và ít bệnh.


Đặc biệt phương pháp này có thể hạn chế được 80% nhện dâu, một loại côn trùng rất nguy hiểm, khi xuất hiện chỉ cần 3 ngày có thể phá hủy gây héo và chết cả một vườn dâu. Khi phát hiện nhện trên giàn chỉ cần xịt nước, nhện sẽ bị chết mà không cần bất kỳ một loại thuốc nào…


Tuy không sử dụng thuốc, ít phân bón nhưng năng suất dâu của anh khá cao, trung bình một gốc dâu thu được 400 – 450 gram trái/vụ. Với giá bán ổn định 250.000 đồng/kg, vườn dâu rộng 2.000 m2 sau khi trừ chi phí cũng phải thu được 40 – 50 triệu đồng/tháng.


Anh cho hay: “Đối tác của tôi yêu cầu về độ an toàn rất cao, mỗi lần nhập dâu họ đều lấy mẫu kiểm tra, nếu tồn dư chất kháng sinh, hợp đồng sẽ bị hủy ngay lập tức nên tôi tuân thủ rất nghiêm ngặt quy trình, kỹ thuật canh tác”.


Qua việc chuyển đổi từ SX dâu tây theo truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao, một năm gia đình anh Nguyễn Thanh Trung thu nhập tiền bán dâu tây khoảng 500 triệu đồng. Anh đã thay đổi được cách nghĩ cách làm mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình và người trồng dâu.


Ước mơ lớn nhất của anh là sau khi hoàn thiện quy trình kỹ thuật, anh sẽ tổng hợp và viết một cuốn sách “SX dâu tây công nghệ cao” để góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu dâu tây Đà Lạt.


Theo Nông nghiệp Việt Nam



Dâu tây công nghệ cao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét