Những ngày gần tết, đi dọc theo những con đường làng quê Nam bộ, đâu đâu cũng thấy những sề, nia hoặc một vật dụng nào đó, trên thân dán đầy những miếng chuối xiêm nở như bàn tay xòe, phơi mình trong ánh nắng nóng như nung và ngọn gió chướng phần phật thổi, mát dịu. Chỉ cần phơi một nắng “dữ” như vậy là những miếng chuối đã khô như ý. Gỡ từng miếng chuối khô chồng lên nhau, gói lại bằng tấm lá chuối khô, cất trong keo thủy tinh hoặc trong cái thố là người ta đã có một món ăn chơi vui miệng trong ba ngày tết.
Để có những miếng chuối khô như vậy, công việc chẳng mất nhiều thời gian. Chọn chuối xiêm vừa chín tới, cắt đôi theo chiều dọc, đặt lên mặt thớt đã lót sẵn tấm lá chuối tươi. Lấy tấm lá chuối tươi khác đậy lên, dùng cái thớt khác đè mạnh, sẽ cho ra miếng chuối dẹp có hình bàn tay xòe. Gỡ miếng chuối này dán lên chiếc sịa lật ngược (hoặc vật dụng nào đó có lỗ thông thoáng), đem phơi là xong.
Cùng với những món ăn chơi trong ba ngày tết khác rất thông dụng ở thôn quê Nam bộ, như: mứt gừng, mứt dừa, mứt bí, mứt mãng cầu, mứt me, mứt chùm ruột… chuối khô là loại dễ làm nhất. Trong những ngày tết, khách tới nhà là gia chủ dọn lên bàn các loại mứt này. Gia chủ rót trà vào từng cái chung, mời khách. Chủ nhà và khách vừa đàm đạo vừa nhón tay gỡ từng miếng chuối khô, cuộn tròn lại, cho lên miệng, cắn. Vừa nhai chuối khô vừa hớp từng hớp nước trà nóng hổi, thật không có gì thích bằng. Chuối khô đặc quánh vị ngọt thực vật lan tỏa khắp vòm họng, chạy tuốt xuống dạ dầy khi ta nhấp chung trà. Sảng khoái. Nhờ vậy mà câu chuyện ngày tết, ngày xuân càng thêm rôm rả. Người miền Tây gọi như vậy là “ăn cho vui miệng”.
Nhưng thưởng thức chuối khô như vậy chưa đã, người dân nông thôn miền Tây Nam bộ không bằng lòng. Với cái “công” (trong “công, dung, ngôn, hạnh”) được truyền từ nhiều đời, người phụ nữ miệt đồng đất trù phú này bèn nghĩ đến cách chế biến chuối khô thành một thứ mứt hấp dẫn hơn. Đó là chuối khô xào gừng.
Để có chuối khô xào gừng, người ta dùng chuối khô xắt sợi và chuối xiêm tươi lột bỏ vỏ xắt sợi; gừng già gọt bỏ vỏ, xắt sợi; mè trắng rang vàng; đậu phộng rang vàng với chút muối hột, bóc bỏ vỏ, đâm sơ. Bắc chảo lên bếp, đun nóng, cho chuối khô và chuối sứ tươi xắt sợi cùng lượng đường theo yêu cầu vào, xào đều trên ngọn lửa liu riu. Đến khi hỗn hợp này sắp dẻo quến lại, cho gừng xắt sợi, mè và đậu phộng vào, trộn đảo thật đều. Khi hỗn hợp trên dẻo quến nặng tay thì nhấc chảo xuống, trải đều trên mặt mâm hoặc ém chặt thành khối hình chữ nhật. Khi chuối khô xào gừng nguội thì cho vào keo thủy tinh, hoặc cắt từng thỏi hình chữ nhật hay hình thoi cho vào thố hoặc keo đậy kín lại. Khách đến nhà, gắp chuối khô xào gừng ra dĩa, gài mấy cái nĩa nhỏ xung quanh, đem ra bàn. Chủ và khách vừa uống trà vừa nhâm nhi xúc từng nĩa chuối khô xào gừng. Vị ngọt của chuối, của đường, vị cay ấm của gừng, mùi thơm và béo của đậu phộng và mè trắng khiến họ ăn “bắt ngây”, hết xúc nĩa này tới nĩa khác. Quên thôi.
Câu chuyện ngày xuân, ngày tết cũng quên thôi khi khách được đãi món chuối hồng. Là xứ sở nắng cháy chang chang, không bao giờ trồng được cây hồng, nên dân miền Tây rất thích thú ăn trái hồng khô. Từ đó họ sáng chế ra một loại hồng khô bản địa bằng cách lột bỏ vỏ trái chuối già hương đem phơi vài nắng là chuối khô đến tươm mật. Ăn chuối này ngon như hương vị trái hồng khô nên người ta đặt tên nó như vậy.
Thưởng thức các loại chuối khô ngày tết là thú thanh nhã của người lục tỉnh Nam kỳ xưa. Nhờ vậy mà cho tới bây giờ dù các loại bánh hộp ngon ngọt được nhập từ các nước vào vẫn không áp đảo được các món mứt dân dã, trong đó có chuối khô và chuối khô xào gừng. Ngoài đãi khách, chuối khô và chuối khô xào gừng còn là quà tặng quý cho những người xa xứ, sống ở thị thành. Nhận được quà quê, thị dân mừng húm, sống lại kỷ niệm ấu thơ với vị ngọt béo đậm đà tình sông nước, nhất là cái ấm nồng của nắng gió đồng bằng thuở nào xưa.
Bài, ảnh: CÚC TẦN-baohaugiang.com.vn
Chuối khô ngày tết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét