Quảng Cáo

Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

Đậu nành dùng sao cho tốt?

Đậu nành chứa nhiều đường, chất béo, acid amin, chất xơ, vitamin, acid folic, nhiều khoáng tố nhất là calcium, sắt. Những acid amin trong đậu nành là đầy đủ và cần thiết cho sức khỏe.


Trên thế giới mọi người đều tiêu thụ đậu nành ở nhiều dạng thức ăn thức uống như bột, tương, sữa, bơ, bánh; ở xứ ta còn có món đậu hũ và chè tàu hũ cũng là những món ăn ngon được chế biến từ đậu nành. Tuy nhiên chỉ ăn uống đúng liều lượng, mỗi ngày khoảng 200 ml sữa tương đương 20g đậu, tối đa 50g, không nên dùng nhiều hơn. Vì bên cạnh những lợi ích, đậu nành cũng có nhiều tác dụng phụ, không có lợi cho sức khỏe ở một số người.


1. Lợi ích


Một chế độ ăn uống có đậu nành có thể giảm đáng kể nguy cơ bị gan nhiễm mỡ. Các nhà khoa học thuộc Đại học Illinois (Mỹ) rút ra kết luận này sau khi phát hiện protein trong đậu nành giúp giảm đáng kể việc tích trữ chất béo và triglyceride trong gan ở người béo phì.


Theo báo The Times of India, các chuyên gia so sánh chất béo tích lũy trong gan của chuột bị béo phì và chuột gầy. Cả hai loại chuột này được cho dùng chế độ ăn uống chứa casein (một loại protein có trong sữa) và chế độ ăn chứa isolate (protein có trong đậu nành) trong khoảng 17 tuần.


Các nhà nghiên cứu nhận thấy chế độ dinh dưỡng trên không ảnh hưởng đến gan của chuột gầy. Nhưng chuột béo phì được nuôi bằng đậu nành giảm được 20% lượng chất béo và triglyceride tích lũy trong gan. Trưởng nhóm nghiên cứu Hong Chen tin rằng protein trong đậu nành cũng có thể dùng để giảm các triệu chứng của bệnh gan nhiễm mỡ.


dau nanhThống kê các công trình nghiên cứu trên thế giới cũng như theo báo cáo của các chuyên gia ở đại học New York, Harvard, New Orleans… về đậu nành đã cho những kết quả như sau:


- Tốt cho người tiểu đường và ăn kiêng.


- Dễ tiêu hóa và nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.


- Tốt cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.


- Lecithin trong đậu nành giúp bổ não, chống mệt mỏi và ngăn ngừa hiện tượng tích tụ cholesterol trong máu. Lecithin làm hạ thấp cholesterol nhờ hiện tượng nhũ tương hóa các chất béo chống xơ cứng động mạch và các biến chứng trên tim, não, thận và mắt. Lecithin trong đậu nành làm tăng hàm lượng globulin gamma trong máu, chất này là những kháng thể thiên nhiên giúp cơ thể chống lại các hiện tượng nhiễm trùng.


- Ngừa bệnh vảy nến, sỏi mật, chống loét ở các bệnh nhân nằm lâu ngày, ngừa bệnh pellagra. Nhờ chứa nhiều axit linoleic và linolenic (chất béo chưa bão hòa) nên đậu nành còn tốt cho da và chữa được bệnh chàm (eczema).


- Chữa các chứng rối loạn tiêu hóa, các rối loạn thần kinh dẫn đến chứng trầm cảm.


- Dầu đậu nành tốt cho da vì có tính kiềm cao.


- Giúp phòng bệnh huyết áp cao, ngăn ngừa ung thư phổi, ung thư tuyến tiền liệt và tuyến giáp, ngừa loãng xương.


- Nhuận trường, làm tăng trí nhớ, giảm đau cơ.


- Phụ nữ dùng đậu nành với liều thích hợp ngăn ngừa chứng đau ngực, ung thư ngực, phòng chống rối loạn do hội chứng tiền mãn kinh.


2. Một số khuyến cáo


Dường như các loại thực phẩm chế biến từ đậu nành an toàn nhất cho người sử dụng trong thời gian ngắn (dưới 6 tháng). Dùng lâu dài đậu nành có thể gây một số phản ứng phụ như táo bón, đầy hơi, buồn nôn, nổi mẩn ngứa ở một số người.


Thai phụ, trẻ em, bệnh nhân ung thư vú, ung thu nội mạc tử cung, người mắc bệnh sạn thận, suy giáp, bệnh hen suyễn, viêm mũi dị ứng… không nên lạm dụng đậu nành. Nhiều chuyên gia khuyến cáo hạn chế dùng chế phẩm đậu nành ở thai phụ; không dùng lâu dài thay sữa bò cho trẻ em; tránh dùng đậu nành ở một số người có tiền sử bệnh lý ung thư vú, buồng trứng và tử cung.


Dược sĩ Lê Kim Phụng



Đậu nành dùng sao cho tốt?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét