Quảng Cáo

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Lá giang trồng chơi ăn thiệt

Trước đây Phường Phú Mỹ, Thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương là xã thuần nông, sản xuất nông nghiệp là chính. Sự phát triển các khu công nghiệp và đô thị làm giảm diện tích đất nông nghiệp rất đáng kể. Nguồn lao động của phường cũng chuyển biến theo hướng phù hợp với sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, đối với những người trung niên, có tuổi tìm kiếm việc làm phù hợp với trình độ và sức khỏe không phải dễ dàng. Các nông dân lão điền của phường luôn trăn trở làm gì với diện tích đất còn lại xung quanh nhà, nhưng lại phù hợp với sự phát triển của xã hội, không gây ô nhiễm môi trường mà đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.


Quan sát thấy nhiều người đi cắt lá giang ở rừng thuộc các vùng như Phú Chánh, Vĩnh Tân, Tân Vĩnh Hiệp thuộc Tân Uyên hoặc có khi lên tận Phú Giáo đem về bán cho các tiểu thương hàng bông, nhà hàng. Nhu cầu tiêu thụ lá giang rất cao nhưng cung không đủ cầu bởi vì lá giang mọc trong tự nhiên thì dồi dào vào mùa mưa, nhưng lại thiếu hụt vào mùa nắng. Nhận thấy lá giang là loại dây dễ trồng, không đòi hỏi dinh dưỡng cao, thích hợp với vùng đất cao, khô ráo, ưa nắng, không thích bóng râm, có thể trồng ở hàng rào, sân nhà, điều quan trọng là vốn đầu tư không cao, công chăm sóc nhẹ nhàng, nguồn thu mua lại đang hút. Các gia đình đã tận dụng mọi diện tích đất từ hàng rào cho đến sân để trồng lá giang. Việc trồng, chăm sóc lá giang rất đơn giản, thu hoạch cũng dễ dàng, mọi thành viên trong gia đình thể có thể tham gia sản xuất.


trong la giang nenTrước đây mỗi hộ trồng một vài gốc lá giang để gia đình bà con xung quanh sử dụng. Nhưng khi thấy lá giang có thể bán tăng thu nhập cho gia đình thì việc trồng lá giang bắt đầu được quan tâm. Sau một thời gian thấy lá giang phát triển tốt cho thu nhập ổn định, từ đó lá giang được trồng nhân lên thành hàng, rồi thành luống như các loại rau khác.


- Lá giang thường được bắt đầu trồng vào mùa mưa khi thời tiết mát mẻ cây dễ bén rễ và phát triển. Khoảng cách trồng giữa 2 gốc lá giang khoảng 30 cm, khoảng cách giữa 2 hàng là 45 – 50cm, mỗi gốc được cắm một cây chà dùng làm nọc cho dây lá giang leo lên. Phân được bón sau mỗi đợt thu hoạch.


- Khi thấy lá giang phủ nọc, khoảng 7 tuần vào mùa mưa và 8 tuần vào mùa nắng, thì bắt đầu thu hoạch. Lá giang sinh trưởng phát triển rất tốt trong điều kiện đất phải đủ độ ẩm do vậy vào mùa nắng cần phải tưới nước đủ ẩm để cây sinh trưởng phát triển tốt. Việc thu hoạch lá giang rất đơn giản: cắt ngang dây lá cách mặt đất khoảng 1m, sau đó dùng cây sào đẩy dây lên cho rơi khỏi cây chà, thu gom và cắt thành từng bó nhỏ bán cho thương lái.


Ở Phú Mỹ, lá giang được trồng tập trung nhiều nhất ở khu phố 1 và khu phố 2 với diện tích trồng từ 400 – 500m2/hộ (một số hộ tận dụng hàng rào, sân vườn thì diện tích nhỏ từ 200 – 300m2 như hộ Nguyễn Văn Chót; cũng có gia đình đầu tư trồng quy mô lớn như hộ ông Nguyễn Văn Thòn 3.000m2). Thông thường mỗi gốc lá giang được 5 – 6 bó, với giá hiện nay một chục (12 bó) giá dao động từ 20.000 – 22.000 đồng. Sau khi trừ mọi chi phí, thu nhập bình quân sau mỗi đợt cắt là 3 – 4 triệu đồng và hộ có diện tích lớn thu nhập 18 – 20 triệu đồng.


Nói đến lá giang, người ta nghĩ ngay đến món canh chua lá giang thịt gà là món ăn đặc sản của người miền Nam nhất là vùng Đông Nam bộ. Tận dụng diện tích ít ỏi trong sân, tiếp tục sản xuất tạo ra sản phẩm phục vụ cho xã hội, không gây ô nhiễm môi trường đã tháo gỡ được những trăn trở của người nông dân Phú Mỹ. Để lá giang trở thành hàng hóa, sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề rất cần đến sự quan tâm của chính quyền địa phương và các ngành chức năng.


 Nguyễn Thị Phương Dung-Trạm Khuyến nông Bến Cát- Bình Dương



Lá giang trồng chơi ăn thiệt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét