Từ xa xưa người ta đã biết dùng các loại hoa và trái cây để làm thức uống hàng ngày như: cam, quất, chanh, hoa hòe, nụ vối, hạt é, đười ươi. Mỗi loại đều cho một hương vị riêng, trong đó tang thầm được cổ nhân dùng dưới dạng trà gọi là trà tang thầm và cũng là bài thuốc độc đáo.
1. Tang thầm
Tên khoa học là Fructus Mori Albae hay còn gọi là tang thực, tang táo, tang quả, ô thầm, hắc thầm… là tên gọi dân dã của quả dâu chín, một thứ trái cây hết sức dung dị và rẻ tiền ở nông thôn. Vào khoảng thời gian chuyển từ mùa xuân sang mùa hạ, tang thầm được bày bán rộng rãi. Bên cạnh những loại nước ép trái cây sang trọng và đắt tiền, tang thầm vẫn gây được sự chú ý của người mua bởi sắc màu tím thẫm và hình hài căng mọng hấp dẫn của nó. Tang thầm thường dùng để ăn sống, ngâm rượu, làm mứt hoặc ngâm với đường kính chế biến nước giải khát dùng cho cả mùa nóng. Ngoài ra tang thầm còn có cách chế biến rất đơn giản mà hiệu quả, đó là sử dụng dưới dạng trà, cổ nhân gọi là trà tang thầm. Vậy loại trà này được chế biến như thế nào? Công dụng và cách dùng ra sao?
2. Cách chế biến
Nên chọn những quả dâu đã chín, lành lặn, loại bỏ các tạp chất, dùng nước sạch rửa thật kỹ (chú ý nhẹ tay để tránh dập nát), đem phơi hoặc sấy thật khô rồi đựng trong lọ kín (tốt nhất là lọ sành) để dùng dần. Mỗi ngày 2 lần, mỗi lần lấy 10-15g hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Trên thực tế, ngoài tang thầm, người ta còn phối hợp thêm với một số vị thuốc khác nhằm nâng cao và mở rộng hiệu quả phòng chống bệnh tật của loại trà này.
Tang thầm, theo Dược học cổ truyền có vị chua ngọt, tính lạnh, có công dụng tư âm dưỡng huyết, bổ can ích thận, sinh tân nhuận tràng, ô phát (làm đen râu tóc) và trừ phong thấp, thường được dùng để chữa các chứng bệnh do can thận bất túc gây nên như đầu choáng mắt hoa, lưng đau gối mỏi, tai ù điếc, râu tóc bạc sớm, mất ngủ hay mê, tiêu khát (đái đường), táo bón, các khớp vận động khó khăn… Các y thư cổ như: Bản thảo cương mục, Bản thảo thập di, Bản thảo kinh sơ, Bản thảo cầu chân, Tân tu bản thảo, Trấn nam bản thảo, Tùy tức cư ẩm thực phổ… đều đề cập đến tang thầm với những kiến giải khá sâu sắc. Ví như, sách Bản thảo kinh sơ đã viết: “Tang thầm, cam hàn ích huyết nhi trừ nhiệt, vi lương huyết bổ huyết ích âm chi dược. Tiêu khát do nội nhiệt, tân dịch bất túc, sinh tân cố chỉ khát. Ngũ tạng giai thuộc âm, ích âm cố lợi ngũ tạng. Âm bất túc tắc quan tiết chi huyết khí bất thông, huyết sinh tâm mãn, âm khí trường thịnh, tắc bất cơ nhi huyết khí tự thông hĩ. Nhiệt thoái âm sinh, tắc can tâm vô hỏa, cố hồn an nhi thần tự thanh ninh, thần thanh tắc thông minh nội phát, âm phục tắc biến bạch bất lão” (quả dâu chín vị ngọt, tính hàn, là thứ thuốc mát huyết, bổ huyết dưỡng âm mà trừ được nhiệt. Chứng tiêu khát sinh ra do dịch thiếu nên sinh nội nhiệt, (quả dâu) sinh dịch mới mà chữa được. Năm tạng đều thuộc âm, dưỡng âm thì lợi cho tạng. Âm thiếu thì các khớp khí huyết không thông, (quả dâu) bổ sung đầy đủ huyết dịch thì âm khí trường thịnh mà khí huyết tự thông. Nhiệt giải âm đủ thì hỏa trong can và tâm cũng hết, tinh thần trở nên thanh sáng an bình, trí tuệ minh mẫn, âm khí hồi phục thì râu tóc đen lại mà trường thọ). Sách Bản thảo cương mục viết: “Tang thầm… cửu phục bất cơ, an hồn trấn thần, lệnh nhân thông minh” (quả dâu chín… dùng lâu an thần trấn tĩnh, làm cho con người trở nên thông minh). Sách Trấn nam bản thảo cho rằng tang thầm “ích thận tạng nhi cố tinh, cửu phục hắc phát minh mục” (bổ thận, làm cho tinh khí vững chắc, dùng lâu có thể đen tóc và sáng mắt)…
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, trong thành phần quả dâu có chứa các loại đường, acid tannic, acid malic, các vitamin B1, B2, A, C và caroten, các acid béo như acid linoleic, acid oleic, acid palmitic, acid stearic…
Dịch chiết quả dâu có tác dụng
- Tăng cường công năng miễn dịch, kể cả miễn dịch tế bào và miễn dịch dịch thể;
- Thúc đẩy cơ năng tạo huyết, làm cho tế bào lympho nhanh chuyển hóa và thanh thục;
- Làm giảm hoạt tính của men Na+, K+ – Atpase ở màng hồng cầu, từ đó ảnh hưởng đến quá trình sản nhiệt của cơ thể.
4. Một số công thức phối hợp
Để nâng cao hiệu quả và mở rộng phạm vi trị bệnh của trà tang thầm, người xưa còn hay phối hợp thêm với một số vị thuốc khác theo các công thức cụ thể như:
- Tang thầm 10g, ngũ vị tử 10g. Hãm uống để trị chứng dễ vã mồ hôi ban ngày (tự hãn) và ra mồ hôi trộm (đạo hãn);
- Tang thầm 15g, thục địa 15g và bạch thược 15g hoặc tang thầm 15g và toan táo nhân 12g. Hãm uống để chữa mất ngủ;
- Tang thầm 15g, cát căn 15g, hoàng cầm 8g, cúc hoa 8g, tiểu kế 8g. Hãm uống để chữa cao huyết áp;
- Tang thầm 10g, bạch truật 6g. Hãm uống để chữa chứng chậm tiêu;
- Tang thầm 15g, kỷ tử 15g, đại táo 15g. Hãm uống để chữa chứng đầu choáng mắt hoa;
- Tang thầm 15g, long nhãn 15g hay tang thầm 15g, thỏ ty tử 12g, nữ trinh tử 12g, kỷ tử 12g, thục địa 8g, tiên linh tỳ 8g, phá cố chỉ 8g. Hãm uống để chữa thiếu máu;
- Tang thầm 15g, hà thủ ô 15g, nữ trinh tử 15g và cỏ nhọ nồi 10g. Hãm uống để chữa chứng râu tóc bạc sớm;
- Tang thầm 15g, nhục dung 15g, vừng đen 15g và chỉ xác sao 8g. Hãm uống để chữa táo bón;
- Tang thầm 15g, hồng hoa 3g, kê huyết đằng 12g. Hãm uống để trị chứng bế kinh;
- Tang thầm 30g, địa cốt bì 15g và đường phèn 15g. Hãm uống để trị chứng ho khan ít đờm và lao phổi…
Điều cần lưu ý là, vì tang thầm tính lạnh và có tác dụng nhuận tràng nên những người hay bị rối loạn tiêu hóa, đi lỏng do tỳ vị hư yếu và những người bị cảm mạo, ho nhiều do phong hàn không nên dùng trà tang thầm. Khi pha loại trà này tuyệt đối không dùng ấm chén bằng kim loại.
Tác giả : Thạc sĩ HOÀNG KHÁNH TOÀN
Trà tang thầm, đồ uống dân gian độc đáo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét