Quảng Cáo

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

Mô hình trồng bí lai leo giàn

Bước chân vào khu vườn 5.000 m2 với mô hình trồng bí lai bằng công nghệ leo giàn, chúng tôi như lạc vào một cánh rừng nguyên sinh. Hàng nghìn quả bí dài có, tròn có, trải đều khắp nơi, đi lại không cẩn thận là bị va vào đầu.


Những giàn bí lai leo kể trên là mô hình nằm trong trại thực nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật rau hoa quả (gọi tắt là Trung tâm), đặt tại xã Kim Long, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc. Đây là mô hình do Trung tâm phối hợp cùng Cty CP Giống cây trồng Trung ương (NSC) thực hiện.


Ông Phạm Ngọc Thanh, GĐ Trung tâm cho biết, các giống bí trong mô hình là giống bí lai mới, tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt. Đó là các giống bí lai F1 Gold Star 998, F1 Fuji 868 và F1 Tara 888. Nếu như trước đây, các loại bí thường được trồng, ra quả ngay trên mặt đất, tại Trung tâm, 3 giống bí này lại được trồng theo phương pháp leo giàn.


bi leo gian sGiàn leo được thiết kế theo hình chữ U, hở hai đầu. Để tạo độ vững chắc, toàn bộ cột của giàn leo được đổ bằng bê tông, cốt thép. Bên trên, các thanh xà ngang dọc là những thân cây luồng bổ đôi, cứng cáp. Và cuối cùng là dùng lưới, loại mắt to bọc toàn bộ khung giàn lại.


Theo ông Thanh, chí phí vật tư làm giàn leo khoảng 1,3 triệu đồng/sào. Tuy nhiên, chi phí này đã tính khấu hao 3 vụ. Các thanh luồng, cột bê tông có thể sử dụng cho rất nhiều vụ mà không phải thay thế.


F1 Gold Star 998 được trồng với mật độ khoảng 350 cây/sào, F1 Fuji 868 trồng 400 cây/sào, F1 Tara 888 khoảng 450 cây/sào. Mô hình sử dụng 2 giống bí đối chứng là Vino 07 và HN 999. Từ ngày 20/9, bí bắt đầu ra bầu (trồng). Do gốc cây từ khi vào bầu được phủ một lớp nilon đen, gần như cỏ không thể phát triển.


Thời gian từ khi trồng cho đến khi bí ra hoa cái khoảng 44 ngày. Thậm chí, với giống F1 Tara 888, quá trình này chỉ mất khoảng 40 ngày. Trong khi giống đối chứng là HN 999 mất khoảng 46 ngày.


Được mắt thấy, tay sờ, ông Phan Minh Thanh, HTX Vũ Di (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) thấy hết sức bất ngờ với mô hình trồng bí lai này. “Tôi thấy những giống này ít bị sâu bệnh, quả to, đồng đều, màu sắc đẹp, chắc chắn sẽ bán được giá cao hơn khi trồng bí bò đất. Tôi đề nghị, Trung tâm cũng như Sở NN-PTNT sớm đưa giống bí này vào cho bà con sản xuất trồng rau. Đồng thời, làm nhiều mô hình như này để bà con tham quan, học tập”, ông Thanh chia sẻ.


“Đây là những giống bí lai chất lượng ngon, dẻo, ngọt, đặc biệt chống chịu sâu bệnh tốt. Tỷ lệ đậu quả rất cao, nhiều khi chúng tôi phải cắt bớt, một cây chỉ để từ 5 - 6 quả”, ông Trần Đăng Khoái, GĐ Marketing NSC cho hay.


Không chỉ Vĩnh Phúc, một số địa phương như Phù Cừ (Hưng Yên), Tân Yên (Bắc Giang), Thanh Miện (Hải Dương)… đã trồng thử phương pháp này, hiệu quả đều rất tốt. Ông Trần Đình Toàn, Phó GĐ Sở NN-PTNT Ninh Bình mong muốn, địa phương sớm có thể phối hợp với NSC triển khai mô hình này.


Nhưng đây mới ở dạng mô hình, nhiều người cho rằng, khi mở rộng sản xuất chắc chắn sẽ gặp một vài khó khăn. Chia sẻ với PV, ông Tăng Xuân Hòa, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN-PTNT Hà Nam) cho rằng, đây là một phương pháp rất tốt, hiệu quả cao, tuy vậy vốn đầu tư hơi cao so với người dân.


Người dân trồng rau với qui mô sản xuất  manh mún nên rất khó quản lý. Để mô hình thực sự hiệu quả khi nhân rộng, điều cốt yếu là phải xây dựng được vùng sản xuất trồng rau tập trung, giúp người nông dân chăm sóc, quản lý tốt hơn.


Ông Nguyễn Văn Liễu, Vụ trưởng Vụ KH-CN các ngành kinh tế - Kỹ thuật (Bộ KH-CN) khẳng định, mô hình này đã thành công khi đưa được công nghệ mới vào SX. “Dẫu vậy, chúng ta cần mở rộng mô hình để nghiên cứu, đánh giá sâu hơn về những giống bí lai mới này. Từ đây có thể đưa vào sản xuất, tạo ra những sản phẩm chất lượng phục vụ thị trường. Cái cần làm ngay là phải quy hoạch được vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng kế hoạch tiêu thụ cho bà con”, ông Liễu nói.


KẾ TOẠI   -nongnghiep.vn



Mô hình trồng bí lai leo giàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét