Cây giá, với tính chất kén đất gieo trồng đã đem đến nhiều khó khăn cho người làm giá khi diện tích đất sản xuất ngày càng bị thu hẹp. Trước những khó khăn đó, một vài hộ dân tại xã Phổ Văn (Đức Phổ) đã sáng tạo ra cách làm giá mới, tiết kiệm diện tích, công sức, đảm bảo tính bền vững cho nghề mà chất lượng cây giá lại không hề giảm sút.
“Cái khó ló cái khôn”
Sau ngày xuất ngũ, ông Trần Văn Hùng (SN 1954) xã Phổ Văn, Đức Phổ chọn cây giá làm kinh tế mưu sinh. Cũng như thế hệ đi trước, gia đình ông đào hầm trong vườn nhà rồi mang đất từ bờ sông về gieo giá. Để giá không bị úng, mỗi hầm đất chỉ dùng được một lần. Cứ thế, ông đào hết hầm này đến hầm khác. Đến lúc đất trong vườn đã đào hết, ông phải đi mượn đất bỏ không của bà con xung quanh. Cảm nhận sự bấp bênh của nghề khi diện tích đất sản xuất ngày càng bị thu hẹp, năm 1990, ông cùng gia đình quyết định chuyển đổi phương pháp, mang cây giá về “gieo nổi” ngay trong vườn nhà. Từ ý tưởng ban đầu, những ô đất đắp gạch tráng xi măng được xây nên, một lớp ni lông cách ly đất với nền xi măng, một lớp đất, một lớp đậu, một lớp đất nữa và cuối cùng là phủ lá chuối để ủ.
Dù đã nắm rõ những đặc tính của cây giá, nhưng thời gian đầu ông vẫn không tránh được thất bại khi cây giá “gieo nổi” hoặc còi cọc, hoặc không nảy mầm, úng thối. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, dần dần, phương pháp “gieo nổi” của ông khẳng định được ưu điểm và được bà con quanh vùng học hỏi, áp dụng rộng rãi. Từ một bước đi táo bạo mà giờ đây, cây giá Đức Phổ đã tạo được chỗ đứng trong tỉnh và còn được phân phối đến thị trường các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, TP.Hồ Chí Minh…mang lại thu nhập ổn định cho gia đình ông Hùng và các hộ làm giá khác ở xã Phổ Văn.
Nghề dạy nghề
Ông Nguyễn Duy Linh, một trong những hộ gia đình làm giá theo phương pháp “gieo nổi” cho biết: “Phương pháp “gieo nổi” đậu của ông Hùng đã giúp gia đình tôi gắn bó được với nghề giá. Trong quá trình sản xuất, chúng tôi rút ra nhiều kinh nghiệm và chia sẻ cho nhau. Hiện nay, giá Đức Phổ đã tạo dựng được “thương hiệu” với khách hàng khắp nơi bởi độ ngọt, dòn và an toàn tuyệt đối. Cây giá “gieo nổi” kén đất và nước tưới hơn cây giá gieo hầm, vì vậy, người làm giá phải quan sát và chăm sóc liên tục mới đảm bảo có giá xuất đi hằng ngày.
Ông Hùng cho biết, cây giá đã giúp gia đình ông vượt qua khó khăn và ổn định cuộc sống. Giờ đây, mỗi ngày ông xuất đi gần 100 kg giá với giá từ 10.000- 12.000đ/kg, trừ các khoản chi phí, ông thu về gần 500.000 đồng. Riêng lượng giá xuất đi các tỉnh như Kon Tum, Gia Lai, TP. Hồ Chí Minh mỗi ngày hơn 50 kg. Nhìn những ụ giá mơn mởn đang chờ để xuất cho bạn hàng, ông Hùng không giấu niềm vui chia sẻ “Cây giá là người bạn tri kỷ của đời tôi, và cũng là tài sản quý giá nhất tôi để lại cho con cái. Có thể cho chúng nó cái nghề nuôi sống được bản thân và gia đình sau này là điều tôi mãn nguyện nhất”.
Nguồn: Báo Quảng Ngãi
Cách làm giá đỗ gieo nổi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét