Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đau lưng, theo Tây y có thể là do tình trạng viêm cột sống lưng, đau thần kinh tọa, thoát vị đĩa đệm vùng lưng, loãng xương, sỏi thận. Theo Y học cổ truyền chủ yếu do thận suy. Chứng đau lưng làm hạn chế vận động rất nhiều và nếu bệnh nhân còn trong độ tuổi lao động thì sẽ ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả làm việc.
Đa số người bệnh muốn giảm đau nhanh thì điều trị thuốc tây, các loại thuốc giảm đau kháng viêm steroid hoặc nhóm non-steroid, kết hợp nghỉ ngơi, tập luyện, xoa bóp, chườm nóng. Hiện nay trên thị trường cũng xuất hiện nhiều loại thuốc giảm đau xuất xứ từ Hàn Quốc, Trung Quốc… trong thành phần quảng cáo là thuốc được chế từ thảo dược 100% nhưng uống vào cho tác dụng rất nhanh nhưng lại gây phù, sau đó hậu quả về lâu dài có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa, loét dạ dày, suy gan, suy thận, xốp xương.
Đề phòng chứng đau lưng thật sự không khó, cần tránh khuân vác nặng, tránh ngồi lâu không đúng tư thế, tập thể dục đúng cách để bảo vệ cột sống và vùng thắt lưng, để bảo vệ quả thận không nên làm hao tổn tinh khí nhiều vì thận chủ cốt tủy, nếu sinh hoạt tình dục quá nhiều, không lành mạnh cũng là nguyên nhân dẫn đến đau lưng mỏi gối, xương cốt suy yếu.
Bên cạnh các biện pháp trên còn có thể sử dụng các vị thảo dược và các bài thuốc từ cây cỏ thiên nhiên, nhưng để đảm bảo chất lượng thì có thể tự mua về sắc lấy nước uống hoặc nếu người không bị loét dạ dày, cao huyết áp có thể ngâm rượu uống đề phòng chứng đau lưng. Chọn các loại thảo dược mà trong thành phần hoạt chất chứa tinh dầu như Quế chi, Thiên niên kiện, Phòng phong, Độc hoạt, Lá lốt, Ngũ gia bì… Một nhóm khác gồm các loại có chứa saponosid hay flavonoid có tác dụng kháng sinh, kháng viêm như: Ngưu tất, Cỏ xước, Thổ phục linh, Tang ký sinh, Bồ công anh, Sài đất, Cốt toái bổ. Ngoài các thảo dược kể trên cũng còn nhiều loại đã được chứng minh có tác dụng chữa đau lưng, đau nhức gân cốt rất tốt như: Đỗ trọng, Ba kích, Tục đoạn, Phá cố chỉ, Hạt hẹ, Cẩu tích, Câu kỷ tử, Hà thủ ô, Đậu đen…
1. Một số bài thuốc được phối hợp từ các loại cây cỏ trên để phòng đau lưng
- Thiên niên kiện 12g, cỏ xước 12g, quế chi 6g, tang ký sinh 12g, rửa sạch nấu chung với 500ml nước, đun sôi cạn còn 300ml, uống ngày 1 thang, uống liên tục trong 2 tuần.
- Lá lốt 10g, tang ký sinh 10g, ngưu tất 12g, đỗ trọng 10g, thiên niên kiện 10g, cốt toái bổ 10g, cẩu tích 10g, sinh địa 10g, sắc ngày 1 thang chia 2-3 lần uống trong ngày, nên uống lúc thuốc còn ấm.
- Nếu có cảm giác nóng chỗ đau thì gia thêm các thuốc thanh nhiệt như bồ công anh, sài đất mỗi thứ 8g.
- Cỏ xước, còn gọi là ngưu tất nam. Dùng cả cây và rễ, cây có chứa nhiều saponin tác dụng chống viêm rất tốt, mỗi ngày dùng 10 – 16g dạng nước sắc chữa sưng khớp gối, đau nhức gân cốt, đau lưng.
- Lá lốt, dùng lá làm rau ăn và làm thuốc chữa tê thấp, đau lưng, tay chân tê dại, ngày 8 – 12g, sắc riêng hoặc sắc chung với dây đau xương, cốt khí củ, rễ cỏ xước đồng lượng. Có thể nấu nước ngâm tay chân cho người hay bị đổ mồ hôi tay chân.
- Dây đau xương 8 – 12g, sắc uống chữa bệnh tê thấp và đau nhức gân cốt, bồi bổ sức khoẻ. Có thể giã lá tươi trộn với rượu đắp lên các chỗ sưng đau.
- Quả nhàu trị đau lưng, mỏi lưng rất hay. Có thể ăn quả nhàu chín mỗi ngày (ăn với muối) hoặc lấy quả nhàu chín ép lấy nước uống.
- Thịt bò lá lốt, món ăn này ngoài công dụng bổ máu còn trị đau nhức cơ thể, trị mỏi lưng.
- Cẩu tích (rễ cây lông cu-li) 30g, cốt toái bổ 30g, sắc chung uống ngày 1 thang. Bài thuốc này chủ trị đau lưng do lạnh.
2 Để tăng cường bổ thận, sách cổ còn ghi một số vị thuốc và món ăn bài thuốc sau đây
- Thuốc bắc nấu cật heo: cật heo 1 cái, đỗ trọng 40g, tục đoạn 30g, đậu đen 20g, câu kỷ 20g. Làm sạch cật heo rồi cho cùng các vị thuốc nấu cho chín mềm, nêm nếm gia vị vừa dùng
- Chè hạt sen hoài sơn, hạt sen cố tinh khí, cường cân cốt, bổ hư tổn, rất thích hợp với chứng đau lưng mạn tính do thận hư.
- Cháo hạt dẻ, mỗi ngày ăn 10 hạt dẻ hoặc ăn cháo hạt dẻ thường xuyên giúp mạnh lưng gối, bổ thận khí.
- Mè đen bổ ngũ tạng hư tổn, làm tăng khí lực và làm vững gân cốt, ăn cháo mè đen chữa tứ chi yếu liệt và lưng đau gối mỏi ở người già, đó cũng là bài thuốc bổ thận.5. Rau hẹ hoặc hạt hẹ xào dầu mè ăn giúp hành khí, tán huyết, làm ấm lưng gối. Uống nước ép rau hẹ chữa chứng đau lưng mạn tính. Hạt hẹ có công dụng bổ can thận, tráng dương cố tinh, dùng rất tốt cho những người đau lưng mỏi gối do lạnh.
3. Có thể phối hợp trong uống ngoài chườm đắp, để dùng ngoài đắp chỗ đau, có thể dùng các bài thuốc sau đây:
- Lá nhàu 10 lá thái nhỏ, lá ngũ trảo 1 nắm, ngải cứu 10 lá, tất cả giã dập, xào nóng, cho vào vải mỏng để chườm chỗ lưng đau, khi nguội thì đặt xuống giường để nằm (lót vào chỗ đau), làm vài lần sẽ bớt đau
- Lá ngải cứu tươi xào nóng với dấm, bọc trong túi vải đắp, chườm vào thắt lưng hay chỗ đau.
- Lưu ý, trong các thuốc giảm đau có người còn dùng đến các vị thuốc mạnh như mật rắn, mật gấu, rễ ô đầu… nhưng đây là những loại thuốc có độc nên khi dùng phải thật thận trọng và cần có sự chỉ dẫn của thầy thuốc. Riêng cây cỏ vòi voi đã bị loại ra khỏi danh mục cây thuốc vì chứa nhóm hoạt chất độc vì vậy không nên dùng.
DS Lê Kim Phụng-t4ghcm.org.vn
Thảo dược chữa đau lưng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét