Quảng Cáo

Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

Về đâu - Cây ăn trái đồng bằng sông Cửu Long

Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phong phú, đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất vàng để phát triển nhiều loại cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhưng với kiểu sản xuất cá thể, nhỏ lẻ, thiếu kỹ thuật, định hướng, cây giống trôi nổi và “mù” thông tin thị trường khiến người nông dân phải “tự bơi” theo kiểu mạnh ai nấy làm, lời ăn lỗ chịu. Để cây ăn trái phát huy hết tiềm lực vốn có thì cần phải cải cách toàn diện từ tư duy đến quy trình sản xuất theo nhu cầu thị trường, lúc đó người nông dân mới có thể làm giàu từ chính mảnh đất của mình.


Nghịch lý ” Trồng chặt – chặt trồng”


Xã Tân Thuận Đông (TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) nằm trên cù lao sông Tiền, được phù sa bồi đắp hàng năm nên đất đai phì nhiêu rất thuận lợi để phát triển nhiều loại cây trồng. Hiện nay, cây xoài chiếm 70% diện tích toàn xã, 10% lúa và hoa màu. Giống xoài trồng từ ba đến năm năm thì thu hoạch, năm sau lợi nhuận cao hơn năm trước do tán cây ngày càng phát triển rộng thêm. Trung bình một năm xoài cho ba đợt trái: tháng 7, tháng 11 và tháng 4. Một đợt trái, người dân thu lợi nhuận từ 500 ngàn đến 2 triệu đồng/cây.


Năm năm trước, gia đình anh Văng Văn Chót (SN 1975, ngụ xã Tân Thuận Đông) đến một đại lý bán cây giống tại tỉnh Đồng Tháp mua giống xoài Tháp để trồng trên 4.000m2 đất vườn, với giá 15.000 đồng/cây. Sau bốn năm chăm sóc, xoài Tháp cho đợt thu hoạch đầu tiên với quả ngon, mẫu mã đẹp. “Cứ nghĩ sau nhiều năm bỏ công trồng cây sẽ được hưởng trái ngọt. Nào ngờ chỉ được vụ đầu, đến lần thứ hai toàn bộ khu vườn cho ra trái xoài lai, loại xoài kém chất lượng, trái èo uột, năng suất thấp. Toàn bộ công sức, mấy chục triệu đồng bốn năm nay coi như bay xuống sông, xuống biển hết rồi”, dứt lời anh Chót lúi húi chặt tiếp gốc xoài đang đốn dang dở. Ở đây hầu hết người làm vườn phó mặc chất lượng cây giống cho những đại lý bán cây giống. “Hên thì mua được giống chất lượng, thu hoạch dài dài. Xui như tui thì mua trúng giống dỏm, phải đốn bỏ. Mà xui như tui ở đây thì nhiều lắm”, anh Chót tâm sự.


Gia đình ông Trần Văn Dẫn (SN 1942, ngụ ấp Thới Thuận, xã Thới Sơn, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) cho biết: “1,5 công đất vườn tui trồng nhãn long, tiêu quế và cơm vàng từ năm 1978 rất tốt, thu hoạch khấm khá. Đến năm 2011, dịch bệnh chổi rồng bùng phát, không khống chế được bệnh này, tôi phải đốn hơn phân nửa khu vườn. Giờ tôi đang chuyển dần sang trồng mít, ca cao, vì loại cây này dễ chăm sóc mà bán cũng được giá. Nhãn hồi xưa còn có giá chứ bây giờ cũng bấp bênh lắm mà tiền phân, thuốc lại cao quá, trồng không có lợi nhuận nhiều”. “Hơn chục năm trở lại đây, nhà vườn chuyển đổi đến bốn loại cây trồng. Lúc đầu trồng xoài cát chu, xoài rớt giá chuyển sang trồng táo, đốn táo để trồng mận An Phước, khi mận hết sốt giá lại chuyển sang trồng nhãn Ido. Trong đó, có nhiều loại cây trồng chỉ hưởng được một lần trái rồi đốn bỏ, rất lãng phí”, ông Nguyễn Thanh Hồng – Chủ tịch Hội làm vườn xã Tân Thuận Đông – thở dài ngao ngán.


traicayviet Xoài, nhãn, vú sữa, Sapo…đều chung số phận trồng chặt – chặt trồng


Không được đào tạo bài bản kỹ thuật chăm sóc cây trồng, cộng với kiến thức chắp vá lung tung từ những bài “học lỏm” nên người làm vườn phun thuốc vô tội vạ, gây lãng phí. Thêm vào đó, hầu hết nhà vườn đều canh tác theo kinh nghiệm “cha truyền, con nối” nên đến khi xuất hiện dịch bệnh lạ họ thường lúng túng khâu xử lý, cuối cùng đành phải đốn bỏ. Dẫu nhà vườn nào cũng thấm thía điệp khúc “trồng chặt” nhưng hễ thấy cây nào trên thị trường có giá họ lại lao theo trồng với mong muốn “ai nhanh thì thắng”. “Tôi chẳng thấy ai lao theo phong trào mà thắng cả. Có chăng chỉ là những người bán cây giống, bán trái thì coi như “trúng số”, tăng thu nhập bất ngờ. Bởi ai cũng cứ ào ào trồng thì đến khi thu hoạch lại dư thừa, mất giá là chuyện thường thôi. Trồng cây mà cứ chạy theo đuôi, không định hướng đầu ra thì chết”, ông Hồng nhận định.


Trồng tiêu chuẩn “vàng” bán giá “chợ”


Ấp Phú Quới ngày xưa được ví như là “thiên đường” cây ăn quả, đây cũng chính là “cha đẻ” của vú sữa Lò Rèn nức tiếng gần xa. “Tôi có sáu công vườn, xưa chỉ trồng vú sữa, bây giờ thì chỉ còn ba công vú sữa thôi, ba công còn lại được thay thế bằng cây sapo. Vú sữa này do chú tôi trồng từ trước, khoảng sáu năm trở lại đây không hiểu sao nhiều cây đột ngột chết và không trồng lại trên khu đất đó được nữa. Cả vùng này ai cũng bị vậy nên mọi người chuyển sang cây sapo vì khâu chăm sóc dễ lại nhẹ phân. Sapo thì mình chiết nhánh trồng, khoảng ba đến năm năm bắt đầu thu hoạch, trái quanh năm. Tính ra một công sapo, tôi lời từ 40 đến 60 triệu đồng mỗi năm”, anh Phước trầm ngâm.


Cách nhà anh Phước chừng 500 mét, khu vườn gia đình ông Huỳnh Văn Sáu (SN 1965, ngụ ấp Phú Quới) cũng dần thay cây vú sữa bằng sapo. Ông tính toán: “Giờ tôi chỉ còn hai công trồng vú sữa thôi, sáu công còn lại tôi trồng sapo hết. Sapo thì công chăm sóc cực hơn vú sữa, mỗi tháng rải phân, thuốc một lần. Mỗi lần rải mất 30.000 đồng/gốc, tổng cộng 120 gốc chừng 3,6 triệu đồng. Sáu công sapo tính ra ít bệnh tật hơn cây vú sữa. Có hai công trồng vú sữa mà bệnh liên miên, hiện tại vườn tôi có đến năm cây vú sữa bệnh thúi rễ. Tôi cũng ra tiệm vật tư hỏi, người ta chỉ mua thuốc về xịt nhưng thấy vẫn không ăn thua. Thôi thì tới đâu tính tới đó, khi nào nó chết tôi đốn bỏ, trồng sapo luôn”.


Ông Sáu cũng là một trong những thành viên đầu tiên tham gia mô hình GlobalGAP của hợp tác xã vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim. Hợp tác xã này được xem là điển hình của mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới được tỉnh Tiền Giang đầu tư tâm huyết ra đời từ năm 2008. Năm đầu tiên, được sự hỗ trợ quy trình sản xuất, chứng nhận GlobalGAP (tiêu chuẩn toàn cầu về chất lượng, an toàn và đầy đủ xuất xứ), xây dựng nhà máy đóng gói đạt tiêu chuẩn và xúc tiến thương mại… của chính quyền địa phương, mô hình hợp tác xã này phát triển trông thấy. Thế nhưng, ngay sau khi chứng chỉ GlobalGAP hết hạn thì hợp tác xã không có kinh phí tái kiểm tra và không tiếp tục nhận được sự hỗ trợ nên dần chết chìm.


“Tôi tham gia hợp tác xã để trồng theo mô hình GlobalGAP từ năm 2008. Khi tham gia, tôi cũng được tập huấn cách trồng, bón phân theo tiêu chuẩn chất lượng. Nhưng hợp tác xã chỉ mua được một năm, sau đó không mua nữa, tôi phải bán cho thương lái. Trồng theo tiêu chuẩn thì sử dụng ít phân, thuốc hơn nhưng công chăm sóc cực lắm, trái nào mình cũng phải bao lại để tránh sâu bệnh. Khi hợp tác xã không mua nữa, mấy năm nay tôi lại trồng như xưa, một tháng rải phân một lần để cho trái to và ngọt hơn”, ông Sáu thật thà.


Bưởi năm roi Mỹ Hòa từng là thương hiệu tự hào của người dân Vĩnh Long năm 2008 khi được cấp chứng chỉ GlobalGAP. Một năm sau đó, giống bưởi này ký được nhiều hợp đồng cho hệ thống siêu thị Metro Cash & Carry, siêu thị Hà Nội và xuất khẩu hàng ngàn tấn sang thị trường châu Âu đem về lợi nhuận rất cao cho nhà vườn. Thế nhưng, khi chứng chỉ GlobalGAP hết hạn, hợp tác xã bắt đầu lâm vào tình trạng chết yểu. Đến năm 2011, nhiều xã viên kiện hợp tác xã đòi tiền mua bưởi. Sau khi cơ quan thanh tra vào cuộc phát hiện thêm hợp tác xã này không thực hiện đúng quy định của pháp luật về kế toán thống kê, kiểm toán, chủ nhiệm Trần Văn Sang còn thu giữ của hợp tác xã gần 1,5 tỷ đồng.


Theo tiến sĩ Võ Hữu Thoại – Viện nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, tình trạng nhiều hợp tác xã thành công vang dội thời gian đầu sau đó nhanh chóng chết yểu một phần do thiếu vốn để tái chứng nhận tiêu chuẩn GAP, phần còn lại do cơ cấu ban chủ nhiệm hợp tác xã vẫn còn lối tư duy “ăn xổi ở thì”, làm ăn chụp giật. Khi tạo được thương hiệu trái cây, một số thành phần ban chủ nhiệm bắt đầu nổi lòng tham, cố tình làm khó xã viên để không mua trái cây hoặc mua với số lượng rất thấp. Sau đó, những người này gom những trái cây trôi nổi bên ngoài với giá thấp rồi dán mác chất lượng của hợp tác xã vào. Chính điều này đã khiến hợp tác xã tự dìm mình chết khi đánh mất thương hiệu chất lượng, còn xã viên bán không được trái cây dần mất niềm tin thì hợp tác xã tan rã là điều tất yếu.


“Mình phải duy trì thương hiệu, phải bảo ban nhau không làm ăn dối trá vì nếu một năm không chết thì hai năm sẽ chết, nhiều nhất cầm cự đến ba năm thì sập tiệm luôn, quy luật cạnh tranh bây giờ rất khắc nghiệt. Như bưởi Năm Roi Hoàng gia chết là do đi gom hàng trôi nổi, rồi dán thương hiệu vào bán. Đáng lẽ ra phải có kỹ sư đi kiểm tra, thăm nom, nhắc nhở nhà vườn, sau đó gom lại, kiểm tra lần nữa rồi mới dán thương hiệu. Về xuất khẩu, hiện nay mặc dù đã có nhiều công ty xuất khẩu trái cây nhưng Việt Nam chưa có một công ty xuất khẩu nào có thương hiệu được thế giới công nhận như một số nước đã có. Ví dụ như New Zealand thì có Công ty Zespri chuyên xuất khẩu trái kiwi, Mỹ có Công ty Dole chuyên xuất khẩu chuối già, dừa. Xuất khẩu trái cây ở nước ta hiện nay do rất nhiều công ty nhỏ, cạnh tranh với nhau bằng cách hạ giá. Việc này khác hoàn toàn với mô hình một công ty lo xuất khẩu một hoặc hai mặt hàng như của New Zealand hay của Mỹ. Những mô hình này họ lo từ A đến Z, tự túc tổ chức sản xuất, đóng gói đến xuất khẩu và cả tiếp thị quảng bá sản phẩm nên không có việc cạnh tranh hạ giá, không có việc chất lượng không đồng đều và cũng không có việc ai cũng đi tiếp thị như mình đang làm”, ông Châu phân tích.


Theo Kham pha.vn



Về đâu - Cây ăn trái đồng bằng sông Cửu Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét