Các yếu tố ảnh hưởng đến sâu bệnh trên cây trồng chủ yếu là : nguồn thức ăn cho cây ( phân bón), nguồn nước, yếu tố thời tiết, giống cây, vệ sinh ruộng vườn. Trong các yếu tố nêu trên thì chỉ yếu tố thời tiết là con người không thể chủ động và khắc phục được. Tuy nhiên, chỉ cần bạn chủ động giải quyết các yếu tố còn lại, thì chắc chắn việc phòng và khắc phục hậu quả gây hại của sâu bệnh trên cây trồng sẽ có hiệu quả.
1. Bệnh thối có hạch (hay còn gọi là bệnh da lợn
Bệnh thường phát triển vào giai đoạn cuốn bắp đến lúc thu hoạch, do nấm Rhizoctonia solani gây ra. các lá bên ngoài của bắp bị thối từng lớp và lan dần vào trong, thậm chí có khi làm thối cả bắp, nhất là khi thời tiết có độ ẩm cao.
Nấm bệnh thường lan từ mặt đất lên trên, lúc đầu là những chấm nhỏ mất màu, sau đó nhũn nước và gây thối bắp cải từng lớp, từ trên xuống, vào sáng sớm khi có độ ẩm không khí cao ta thấy có lớp tơ màu trắng bao phủ vết bệnh
Biện pháp phòng trị bênh:
- Lưu ý trồng bắp cải có độ thưa vừa phải.
- Thường xuyên tỉa bỏ các lá gốc để tạo sự thông thoáng.
- Không nên tưới nước vào buổi chiều mát, hoặc bón nhiều phân đạm khi cây cuốn bắp.
- Khi cây bị bệnh nên phun một trong các loại thuốc sau: Copper B 75 WP, Benomyl 50 WP, Validacin 3L, Rovral 50 WP, Anvil 5 SC, Appencarb super 50 FL, Bonanza 100 SL… 5- 20cc (g)/8 lit.
2. Bệnh bã trầu
Bệnh thường xuất hiện trên báp cải, vào giai đoạn tăng trưởng nhanh đến cuốn bắp, các chóp lá hoặc rìa lá bị thối, có màu đỏ đậm, lan vào trong, và lan nhanh ở phần gân lá còn phiến lá bệnh lan chậm hơn. Bệnh do vi khuẩn Xanthomonas campestris pv. campestris gây ra. Bệnh làm cháy lá và giảm trọng lượng bắp. Bệnh thường gây hại từ bìa lá lan vào trong, vết bệnh thường có dạng hình tam giác, đỉnh là gân lá.
Vết bệnh có màu nâu đỏ, vết bệnh cũ có màu nâu vàng Nếu thời tiết ẩm thì vết bệnh nhũn ra, còn khi thời tiết khô thì vết bệnh khô giòn
Với bị bệnh nặng làm lá rụng, cây phát triển bắp nhỏ và nhẹ, chẻ thân ra sẽ thấy mạch nhựa có
màu đen, đôi khi làm bắp cuốn không chặt hoặc không cuốn bắp.
Biện pháp phòng trị bệnh:
- Nếu ruộng bị bệnh nặng thì nên luân canh với các Ịoại cây khác họ thập tự trong khoảng 3 năm.
- Xử lý hạt giống với nước nóng 52 độ c trong 30 phút trước khi gieo.
- Thường xuyên cắt và tiêu hủy các lá bị bệnh, cắt tỉa các lá già bên dưới.
- Khi ruộng đã nhiễm bệnh không nên tưới nước vào buổi chiều mát.
- Phun một trong các loại thuốc cho cây khi bệnh gây hại: Copper Zinc 85 p, Kasuran 50 WP, New kasuran 16,2 WP, Kasumin 2 L, Champion 77 WP, Rovral 50 WP 15 – 30g(cc)/8 lít, phun 10 ngày/lần.
3. Bệnh thối nhũn (tiêm cùi) trên bắp cải
Trên cây bắp cải, vào giai đoạn ốp bắp cây thường bị héo, bắp ốp không khít và sau đó lá bị rụng, lõi thân bị thối đen, bệnh do vi khuẩn Ertvinia carotovora var. carotovora gây ra. Bệnh thường tấn công từ rễ hoặc lá già lan vào trong thân nên rất khó phát hiện, ta có thể phát hiện được sớm nhờ một số lá có triệu chứng héo chóp lá vào buổi trưa và tươi trở lại vào buổi chiều. Vết bệnh thường nhỏ, nhũn nước và có màu nâu hoặc đen sau đó vi khuẩn xâm nhập vào mạch nhựa đi vào thân cây làm thối mềm phần trong của cây, tiếp đó lan dần lên trên làm cải không ốp bắp được , hoặc làm rụng lá ốp bắp và có mùi thối đặc trưng. Bệnh nặng làm cả cây bị thối mềm ra.
Biện pháp khắc phục:
- Không trồng dày trong mùa mưa. Không tưới nước vào lúc chiều mát, nhất là giai đoạn cây cuốn bắp.
- Luân canh 2 – 3 năm trên ruộng nhiễm bệnh nặng.
- Tránh gây thương tổn cho cây. cắt bỏ những lá già bên dưới và bôi thuốc vào vết cắt, làm cỏ liếp tạo điều kiện thông thoáng cho cây. Nhổ và tiêu huỷ các cây bị bệnh để tránh lây lan.
- Khi bệnh mới chớm xuất hiện phun một trong các loại thuốc sau: Copper Zinc 40g/8 lít, Kasuran 50 WP, New Kasuran 16,2 wp, Starner 20 WP 25 – 35g/8 lít, Kasumin 2L, Champion 77 wp 20 – 25cc/8 lít, Rovral 50 WP 15 – 20g/8 lít.
Nguồn : Hỏi đáp về dịch cây trồng
Cách phòng và trị các bệnh thường gặp ở bắp cải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét