Dùng nấm đối kháng hạn chế rau màu bị héo rũ, đây là một lợi thế giúp cho người nông dân có thể chủ động phòng ngừa và kiểm soát tốt bệnh héo rủ cho rau trồng khi thuốc hóa học không có tác dụng diệt vi khuẩn.
Hiện tượng trồng rau màu bị bệnh héo rũ và chết do các loài vi sinh vật trong đất trồng xâm nhập và gây hại đang là mối quan tâm và lo ngại cho nhiều nông dân, nhất là các vùng chuyên canh. Vì rau màu khi bị nhiễm bệnh nhanh chóng chết rũ, nông dân không kiểm soát nổi khi sử dụng thuốc hoá học phun trừ.
Qua áp dụng thực tế cách sử dụng nấm đối kháng Trichoderma để hạn chế tối đa lượng cây chết do bệnh héo rũ, đã cho kết quả khả quan trong việc phòng trừ các loại vi sinh vật gây bệnh (nấm và vi khuẩn).
Cách sử dụng như sau
Nấm đối kháng Trichoderma có khả năng ức chế, cạnh tranh dinh dưỡng và tiêu diệt được các vi sinh vật gây bệnh héo rũ (nấm và vi khuẩn có hại). Vì Tricoderma tiết ra một enzym làm tan vách tế bào của các loài nấm khác và cạnh chanh thức ăn với vi khuẩn đất. Sau đó, nó có thể tấn công vào bên trong loài nấm gây hại đó và tiêu thụ chúng.
Đây là một lợi thế giúp cho người nông dân có thể phòng ngừa và kiểm soát tốt bệnh này khi thuốc hóa học không có tác dụng diệt vi khuẩn. Ngoài ra, nấm Trichoderma còn có tác dụng kích thích sự tăng trưởng của cây trồng (giúp gia tăng số lượng rễ cho cây).
- Để hạn chế tối đa nấm và vi khuẩn trong đất trồng từ đầu vụ nên trộn đều phân chuồng cùng chế phẩm nấm Trichoderma trước khi bón vào luống đất. Tỷ lệ nấm Trichoderma cho mỗi tạ phân chuồng tùy theo lượng khuẩn lạc nhiều hay ít có trong một đơn vị chế phẩm (CFU/g).
Ví dụ đối với chế phẩm Biobus 16×106 CFU/g cần dùng từ 100 – 200 gr chế phẩm/tạ phân chuồng hoặc chế phẩm phân bón vi sinh Canplus-R 108 khuẩn lạc/gr thì dùng từ 0,5 – 1 kg phân bón/tạ phân chuồng hoặc hòa 1 kg phân bón với khoảng 200 - 300 lít nước tưới đều cho 1 sào Bắc bộ (đây là hai chế phẩm nấm đối kháng đang được bán trên thị trường của cả nước).
- Đối với củ giống trước khi cắt để trồng, hom giống, rễ cây con khi nhổ đem trồng nên xử lý nấm bệnh và vi khuẩn bằng cách hòa 1 gói Biobus 20 gr/bình 16 – 18 lít nước phun ướt đều củ, hom, rễ cây giống.
- Thời kỳ cây trong ruộng SX, nên sử dụng định kì nấm đối kháng Trichoderma vào giai đoạn cây mẫn cảm nhất với bệnh.
Mỗi một loài rau trồng thuộc họ khác nhau thì giai đoạn mẫm cảm nhất với bệnh héo rũ (cây dễ bị bệnh và chết nhiều nhất) là hoàn toàn khác nhau. Ví dụ, các cây họ cà như cà chua, ớt, cà bát…, họ dưa bầu bí thì cây dễ bị bệnh này; nhất là khi cây ra hoa đậu quả. Nhưng các cây thuộc họ hành tỏi thì lại mẫn cầm nhất với bệnh là lúc cây còn non (hành bật khỏi mặt rạ 5 – 10 cm).
Vì vậy, nông dân cần tìm hiểu và theo dõi kỹ để xác định giai đoạn mẫn cảm nhất của cây với bệnh là giai đoạn nào để sử dụng nấm đối kháng đưa vào vùng gốc rễ cây nhằm khống chế và giảm thiểu bệnh này sao cho hiệu quả, tránh lãng phí.
Vì ở các thời kì không mẫn cảm, rau trồng vẫn có khả năng tồn tại và phát triển được (cây sống chung được với vi khuẩn. Trong giai đoạn này của cây, nên dùng 1 gói Biobus 20 gr hòa tan đều trong bình 16 -18 lít nước phun trực tiếp vào gốc cây rau màu (phun định kỳ 1 lần/tuần) hoặc dùng gói Biobus 100 gr hoà tan đều trong 200 lít nước tưới trực tiếp vào gốc cây hay sử dụng khoảng 1 kg phân bón vi sinh Canplus-R 108 khuẩn lạc/gr vào khoảng 200 - 300 lít nước tưới đều cho 1 sào Bắc bộ (định kỳ 1 lần/ 2 tuần).
* Chú ý:
- Không phun hay tưới chung nấm đối kháng Trichoderma với tất cả các loại thuốc BVTV, chỉ hòa chung được với phân bón để phun hoặc tưới. Vì nấm đối kháng là một chế phẩm sinh học.
- Môi trường giàu đạm, nấm và vi khuẩn nhân lên rất lớn. Vì vậy, trong giai đoạn mẫn cảm, nông dân không nên chăm sóc rau màu bằng cách tưới thúc urê trực tiếp vào gốc cây để không thu hút và tăng khả năng gây hại của vi sinh vật gây bệnh.
Thay vào đó, cần bổ sung dinh dưỡng cho rau màu thông qua thân, lá bằng cách phun định kỳ (3 – 4 ngày/lần) các chế phẩm phân bón lá có chứa NPK và các nguyên tố dinh dưỡng vi lượng hay sử dụng phân tổng hợp NPK bón vùi cách gốc 10 – 20 cm tuỳ theo các loại cây.
- Giai đoạn cây rau màu dễ bị nhiễm bệnh héo rũ, cần hạn chế tưới nước quá nhiều cho cây, khơi thông và thoát nước tốt cho ruộng rau khi gặp mưa to.
- Khi phát hiện ruộng rau màu đã bị chớm bệnh: Cần khẩn trương nhổ bỏ và tiêu hủy các cây rau bị bệnh héo rũ do vi khuẩn (cây rau màu héo rũ đột ngột – héo từ trên ngọn, lá non héo xuống, rễ vẫn trắng nhưng thân cây có bó mạch bị thâm đen, có dịch vi khuẩn màu trắng sữa đùn ra khi cắt thân ngâm trong cốc nước lọc, có mùi khẳn của vi khuẩn) và các cây bị nấm gây hại nặng. Dùng tiếp chế phẩm nấm đối kháng phun đẫm gốc cây với liều lượng hòa như trên( phun từ 2 – 3 lần, mỗi lần cách nhau 3 – 4 ngày).
Đồng thời, tuyệt đối không được tưới thúc đạm urê hoặc phun phân bón lá có chứa đạm cho cây lúc này. Chỉ có thể bổ sung cho cây bằng phun chế phẩm kali trắng (K2SO4) với lượng 40 – 50 gr/bình 16 – 18 lít kết hợp phân bón lá siêu vi lượng giúp cây cứng cáp, hồi phục bệnh nhanh hơn.
Việc tưới nước cho cây rau lúc này, tốt nhất nên tưới nhẹ (chỉ đủ ẩm), tưới lúc chiều sớm để đảm bảo về đêm cây khô nước trên thân, lá. Không nên tưới nước cho rau màu bằng biện pháp tưới dẫn nước theo từng dõng (rãnh) luống. Vì làm vậy, vi khuẩn và nấm dễ lây lan theo đường nước dẫn.
Nguồn :Nongnghiep.vn
Nấm đối kháng giúp hạn chế rau màu bị héo rũ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét