Bệnh sởi là một bệnh cấp tính truyền nhiễm mà trẻ em thường mắc, hay gặp vào mùa đông – xuân. Y học cổ truyền gọi là bệnh thời khí do lục dâm gây ra. Bệnh sởi còn gọi là ma chẩn, sa tử, bệnh xuất hiện những nốt đỏ trên da, nổi hơi cao, sờ tay có cảm giác như hạt vừng nên gọi là ma chẩn, cần phân biệt với phong chẩn (nốt ban không nổi cao trên da).
Thời kỳ khởi phát (từ khi phát nóng đến ngày sởi mọc khoảng 3 – 5 ngày). Bắt đầu ho, sốt, ngạt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, chảy nước mắt, mỏi mệt, buồn ngủ, thân nhiệt tăng dần, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc hơi vàng, đồng thời ăn kém, tiêu chảy phân loãng.
Bài thuốc 1: lá diếp cá 16g, rau rệu 16g, cam thảo đất 12g, đậu cọc rào 12g. Các vị tươi càng tốt, rửa sạch, đổ 300ml nước, sắc lấy 150ml chia làm 2 lần uống, tùy tuổi lớn nhỏ mà thêm bớt liều lượng. Cứ cách 3 giờ lại cho uống 1 lần.
Thời kỳ sởi mọc (kể từ khi mới mọc đến khi sởi mọc đều khắp người ước độ 3 ngày). Thời kỳ này các triệu chứng lâm sàng lúc sởi mọc nặng thêm, sốt cao hơn, buồn phiền khát nước, ho suyễn nặng thêm, tiêu chảy, màu sởi đỏ sẫm, rêu lưỡi vàng nhớt, chất lưỡi đỏ, nặng hơn nữa thì lưỡi khô.
Bài thuốc 2: lá tre 20g, mạch môn 12g, sa sâm 12g, cam thảo đất 12g, sài đất 16g, ngân hoa 16g, củ sắn dây 12g. Sắc 600ml nước lấy 300ml chia làm nhiều lần, mỗi lần uống 30 – 40ml, cách 3 giờ uống 1 lần.
Nếu bệnh nhi bình thường, không có kèm triệu chứng gì khác sau khi sởi mọc 3 ngày, bắt đầu sởi lặn, nóng sốt cũng lui theo, các triệu chứng cũng hết.
Nếu lúc này bệnh nhi có xuất hiện những hiện tượng như: gò má đỏ, nóng cơn, ho ít đờm, ra mồ hôi trộm, rêu lưỡi nhuận, sáng, chất lưỡi đỏ mà khô, mạch tế sác là do nhiệt độc của sởi còn sót lại làm cho hao tổn tân dịch của phổi và dạ dày.
Nếu sau khi sởi bay có biến chứng lỵ, cho uống: rau má 20g, rau sam 16g, lá mơ 16g, củ phượng vĩ 12g, cam thảo dây 8g, cỏ nhọ nồi 12g, vỏ núc nác 12g sắc với 400ml nước lấy 150ml chia 2 – 3 lần uống.
Nếu sau khi sởi bay vẫn ho kéo dài, cho uống: vỏ rễ dâu 20g (tẩm mật sao vàng), mạch môn 12g, cam thảo dây 8g, bách hộ 12g, lá táo 8g, lá chanh 6g sắc với 400ml lấy 150ml chia 2 – 3 lần uống.
Bệnh sởi biến chứng: Bệnh có khả năng phát sinh các biến chứng khác nhau như phong tà, hỏa độc, thực tích, đờm thấp… quá mạnh đều khiến sởi bế lại (vít) không mọc ra được, xuất hiện tình trạng đang mọc mà không mọc, xuất hiện chứng nghịch hoặc nguy hiểm như sởi mọc không thấu hoặc bay đi quá nhanh… tùy thể biến chứng mà dùng bài thuốc thích hợp.
Do phong tà làm vít lấp, có các chứng sợ lạnh, sốt, tắc mũi, thở thô, sắc mặt hơi xanh, chân tay lạnh, đại tiện trong loãng, tiểu tiện ngắn ít, khát nước, không có mồ hôi, mạch phù khẩn, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi trắng.
Bài thuốc 3: kinh giới 12g, bạc hà 4g, tiền hồ 8g, thăng ma 8g, ngưu bàng 12g, phòng phong 12g, khương hoạt 4g, cát căn 8g, đạm đậu xị 12g, thông bạch 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Nếu chân tay co giật, mắt trắng, tròng ngược, dùng thêm sừng trâu từ 12 – 15g, đập vụn sắc lẫn vào thuốc cho uống ngày 1 thang.
Do hỏa độc làm vít lấp, có các chứng phát sốt, mặt đỏ, da nóng rát, lưỡi ráo môi nẻ (dấu hiệu vật vã) đại tiện bế tắc hoặc kiết lỵ, mạch hồng sác, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng khô.
Bài thuốc 4 : hoàng cầm 8g, sơn chi tử 4g, liên kiều 12g, thục đại hoàng 8g, bạc hà 8g, ngưu bàng tử 12g, kim ngân hoa 12g, tri mẫu 8g, tiên lô căn 16g. Sắc uống ngày 1 thang.
Do ăn uống làm vít lấp, có các chứng sắc mặt hơi vàng, chân tay lười hoạt động, ợ hăng nuốt chua, mình nóng nhiệt khô, hung chách nghẽn đầy, mạch hoãn, rêu lưỡi vàng nhớt.
Bài thuốc 5: liên kiều 12g, chỉ xác 8g, cát căn 8g, thần khúc 12g, la bặc tử 12g, hoàng cầm 8g, thanh bì 8g, hậu phác 8g, phục linh 12g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
Nếu bụng trướng, ngủ li bì, thở gấp, đại tiện không thông, thêm: thục địa hoàng 8g, hoàng liên 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
Do đờm thấp làm vít lấp, có các chứng đờm rãi đầy miệng, thở gấp phát hen, do đờm không ra, mạch hoạt, rêu lưỡi trắng nhớt.
Bài thuốc 6: đình lịch tử 12g, cát cánh 8g, đởm nam tinh 12g, bạch giới tử 8g, cam thảo 4g, qua lâu nhân 8g, liên kiều 12g, la bặc tử 12g, chỉ xác 8g, trúc nhự 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Để phòng sởi cho trẻ em, phải tiêm phòng vaccin sởi cho trẻ khi 9 tháng tuổi và tiêm nhắc mũi 2 khi trẻ 6 tuổi. Phát hiện bệnh và cách ly sớm với trẻ bị sởi.
Lương y Vũ Quốc Trung-suckhoedoisong.vn
Đông y trị bệnh sởi như thế nào?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét