Gần đây trên các trang mạng, nhiều bài báo, nhiều chế phẩm thuốc từ xáo tam phân được giới thiệu rầm rộ để chữa 5 dòng tế bào ung thư: ung thư gan Hep- G2, ung thư đại tràng, ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư cổ tử cung, khiến cho cây thuốc này bị đào xới đến cạn kiệt, trong các khu rừng ở Ninh Vân, Ninh Thuận, nay lại tràn sang tìm kiếm ở Đại Lãnh, Vũng Rô. Và giá cả của xáo tam phân cứ được người ta tăng lên vùn vụt, từ chỗ vài ba trăm nghìn 1kg, nay đã tới vài triệu đồng, mà đa phần lại là “ xáo tam phân giả”.
Để tránh được những sai lầm không đáng có khi sử dụng xáo tamphân, xin có đôi lời phân giải.
Cây xáo tam phân còn gọi là thuốc mọi, thần xạ (Paramignya trimera), họ cam (Rutaceae), cây mọc phổ biến ở rừng núi một số tỉnh phía Nam như Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận… Là cây gỗ nhỏ, thân màu nâu, có gai, lá đơn mọc cách, chính vì thế mà nó còn có tên Đơn diệp đằng thích. Đơn diệp là lá đơn, đằng là dây, thích là gai. Vì trên thân và cành của cây này có nhiều gai, kiểu thân của các cây họ cam. Thân cây có thể chất cứng, có đường kính từ 3-8cm, có thể vươn dài tới 5m, vỏ cây có màu vàng nhạt, trên thân khi cắt lát vẫn để sót lại các vết sẹo của những cái gai. Lá đơn, mép cong xuống phía dưới, hình thuôn hẹp, phiến lá dày, phía trên xanh đậm, phía dưới nhạt. Rễ cứng màu vàng đậm. Rễ có vị đắng nhẹ, hơi chát, hơi ngọt, ngửi có mùi thơm của tinh dầu. Đặc điểm này cũng gần giống với các vị và mùi của các cây họ cam. Điều này giúp người ta có thể phân biệt được với các loại xáo tam phân giả: thân và rễ không có màu vàng mà hơi xám, khi nhấm thì có vị đắng, không ngọt, không thơm. Tuy nhiên đây cũng chỉ là cách phân biệt mang tính chất cảm tính, tính chất sơ bộ mà thôi. Còn nếu chính xác, người ta phải tiến hành soi bột của vị thuốc này để tìm ra các đặc điểm chính; đồng thời có thể tiến hành một vài phản ứng hóa học đặc hiệu; nếu không, cũng sẽ bị đánh lừa bởi các rễ và thân của một số cây cùng họ cam.
Do tiến bộ của khoa học kỹ thuật, ngày nay trên thế giới cũng như ở nước ta, việc nghiên cứu thực nghiệm ức chế sự phát triển của các dòng tế bào ung thư: gan, phổi, vú, tử cung, buồng trứng… không phải chỉ có riêng xáo tam phân ở Khánh Hòa mà còn có rất nhiều các cây, các con khác nữa như loài hải sâm ở vùng biển nước ta cũng thể hiện hoạt tính kháng 3 dòng ung thư, song hải sâm chỉ được sử dụng như một vị thuốc bổ thận tráng dương. Dịch chiết của cây trám hồng có tác dụng gây độc trên 5 dòng tế bào ung thư, song vị thuốc này cũng chỉ dùng trị đau xương, đau khớp. Một số cây trong chi cườm rụng cũng có hoạt tính ức chế 3 dòng ung thư, song cườm rụng vẫn chỉ là vị thuốc chữa bệnh hậu sản, xương khớp, cảm mạo, ung nhọt…
Điều này cho ta thấy rằng từ việc nghiên cứu trên thực nghiệm đến lâm sàng còn phải trải qua một quá trình rất dài. Thực nghiệm chỉ mang tính gợi mở những ý tưởng để tham khảo, định hướng cho các nghiên cứu tiếp theo mà thôi. Để có thể trị được ung thư từ một cây thuốc, các nhà khoa học phải tiến hành chiết xuất các thành phần hóa học có tác dụng ức chế một hay nhiều loại tế bào ung thư nào đó. Sau khi đã có đủ số lượng chất mới có thể tiến hành thử nghiệm trên lâm sàng với nhiều bước tiếp theo. Song công việc này chỉ mang tính lý thuyết mà thôi. Thực tế là không thể, vì hàm lượng các chất hóa học này trong cây rất nhỏ. Cách khác nữa là sau khi chiết tách được các thành phần có tác dụng kháng ung thư, người ta bắt chước cấu trúc của nó rồi tiến hành tổng hợp hóa học để có đủ số lượng thuốc thực nghiệm trên lâm sàng. Cách này cũng rất tốn kém, trước khi nó trở thành một thuốc có thể chữa ung thư. Một ví dụ nữa, nhân sâm – một vị thuốc đứng đầu trong các vị thuốc. Trong thành phần hóa học của nó cũng có các thành phần ức chế tế bào ung thư, song nhân sâm cũng chỉ được coi như một vị thuốc bổ khí, mang tính chất bồi dưỡng khi cơ thể yếu mệt và cũng chỉ là vị thuốc có tác dụng “hỗ trợ” khi điều trị ung thư mà thôi. Giới thiệu một số ví dụ trên để thấy, việc chữa bệnh ung thư từ cây thuốc đâu có đơn giản như một số người đang sử dụng, hay đang sản xuất các chế phẩm để chữa 5 loại ung thư từ cây xáo tam phân ở Khánh Hòa.
Cũng như các vị thuốc khác, xáo tam phân là một cây thuốc quý, chữa được nhiều chứng bệnh: viêm gan, xơ gan… đã được nhiều cơ sở nghiên cứu và ứng dụng, cần được nâng niu và phát triển theo đúng nghĩa của nó. Cũng không nên quảng cáo theo xu hướng cực đoan để bán thuốc sống (rễ, thân, cành) xáo tam phân của gia đình mình kiếm được hoặc các chế phẩm từ xáo tam phân của cơ sở chữa bệnh hay bào chế của mình. Làm như thế là “lợi bất cập hại” và phản tác dụng, có hại chính cho uy tín của cơ sở. Đó là chưa kể đến việc, thế giới cho rằng, cơ sở mình “không hiểu gì về bệnh ung thư cả!”.
Và giờ đây, không ai khác, chính là người dân, người bệnh phải tự trang bị cho mình những hiểu biết cơ bản về cách sử dụng và tác dụng của các vị thuốc từ thảo mộc, trong đó có xáo tam phân.
GS.TS. Phạm Xuân Sinh
Thực hư về cây xáo tam phân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét